Khoai lang là cây thế mạnh của huyện Bình Tân (Ảnh Tư liệu) |
Giàu tiềm năng phát triển
Ông Bùi Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, cho biết trong năm 2019, toàn huyện đã xuống giống xấp xỉ 13.000 ha khoai lang, với năng suất trung bình 30 tấn/ha, sản lượng đạt trên 387.000 tấn.
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, người sản xuất giàu kinh nghiệm, mô hình trồng khoai lang trên địa bàn huyện được triển khai quanh năm, chất lượng sản phẩm vượt trội, tập trung lớn nhất tại các xã Thành Đông, Thành Trung, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Lược…
Theo các hộ sản xuất, giống khoai được trồng phổ biến nhất hiện tại là khoai lang tím Nhật Bản, chiếm gần 80% diện tích xuống giống, chuyên phục vụ xuất khẩu; 20% diện tích còn lại là giống khoai trắng giấy, trắng sữa, đường xanh, Nhật cao sản… phục vụ thị trường trong nước.
Về thị trường tiêu thụ, khoai lang Bình Tân phục vụ cho xuất khẩu chiếm 86%, phần lớn xuất tiểu ngạch sang các thị trường Trung Quốc, một số ít xuất sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia,… thị trường tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 14%.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, các địa phương trên địa bàn huyện đã chủ động hỗ trợ, tập huấn quy trình sản xuất an toàn cho các hộ sản xuất. Trên 70% diện tích trồng khoai trên địa bàn huyện hiện được áp dụng tiêu chuẩn VietGAP với những quy định nghiêm ngặt về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm.
Theo UBND huyện Bình Tân, những năm gần đây, cùng với quá trình cơ giới hóa, huyện đẩy mạnh tập huấn về khoa học – kỹ thuật, ATLĐ, vệ sinh thực phẩm nhằm nâng cao giá trị sản xuất, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sản xuất.
Hàng năm, huyện hỗ trợ các địa phương mở 3 – 5 khóa tập huấn về kỹ thuật, ATLĐ cho người dân. Các khóa tập huấn tạo không gian mở để nông dân trao đổi kinh nghiệm, tham vấn ý kiến của cán bộ nông nghiệp, cập nhật các tài liệu mới…
Bình Tân đang phát huy vai trò của HTX, đẩy mạnh chế biến khoai lang để nâng cao giá trị (Ảnh TL) |
Mở cánh cửa thị trường
Đang có thế mạnh rất lớn về vùng nguyên liệu, tuy nhiên, vấn đề xây dựng thương hiệu và ổn định thị trường tiêu thụ cho khoai lang vẫn đang là “bài toán” cần giải hết với ngành nông nghiệp huyện Bình Tân.
Hiện tại, thương hiệu khoai lang Bình Tân đang được các HTX, doanh nghiệp, các vựa khoai liên kết khai thác. Trên địa bàn huyện đang có 4 HTX chuyên thu mua và cung cấp khoai lang ra thị trường là HTX Thành Đông, HTX Tân Thành, HTX Chế biến nông sản Tân Lập, HTX Nông nghiệp dịch vụ Thanh Ngọc.
HTX khoai lang Tân Thành đang là một trong những đơn vị điển hình trong sản xuất và tiêu thụ khoai lang trên địa bàn huyện. Nhờ sản xuất an toàn, HTX đang chinh phục nhiều thị trường khó tính.
Khác với phương thức sản xuất cũ, người dân bất chấp nguy hại lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, kể từ năm 2017, các hộ thành viên HTX khoai lang Tân Thành bắt đầu chuyển đổi phương thức canh tác theo hướng an toàn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cung ứng ra thị trường.
Với hơn 5 sào sản xuất khoai lang VietGAP theo hướng an toàn, ông Nguyễn Văn Tạo (xã Tân Thành) chia sẻ đã trải qua 2 năm liên tục thắng lớn. Sản xuất an toàn giúp chi phí sản xuất giảm 40 – 50%, giá bán luôn cao hơn giá thị trường 15 – 30%.
“Sức khỏe của người sản xuất được nâng cao khi các biện pháp đảm bảo ATLĐ được áp dụng rộng rãi. Như trong sử dụng máy móc để làm đất, tạo luống, thu hoạch, các hộ phải tuân thủ nghiêm quy định về ATLĐ, đeo ủng, bao tay đầy đủ…”, ông Tạo chia sẻ.
Trong thời gian tới, để mở rộng các thị trường tiêu thụ cho khoai lang, huyện Bình Tân dự kiến tiếp tục nâng cao vai trò của các HTX, doanh nghiệp. Riêng với HTX, huyện sẽ đẩy mạnh hỗ trợ giúp các đơn vị thực hành sản xuất khoai lang theo VietGAP, GlobalGAP, cam kết cung cấp sản phẩm theo hợp đồng đã ký.
Nhật Minh