Bưởi da xanh ruột hồng đang mở hướng làm giàu cho ông Hùng và nhiều nông dân địa phương (Ảnh Tư liệu) |
Ứng dụng kỹ thuật
Chia sẻ về hiệu quả kinh tế của cây bưởi da xanh ruột hồng, ông Hùng phấn khởi cho hay ngay trong vụ Tết Nguyên đán 2020, gia đình ông thu về gần 70 triệu đồng nhờ tiêu thụ hơn 1,5 tấn bưởi. Giá bưởi da xanh VietGAP khá ổn định, bình quân đạt 35.000 – 60.000 đồng/kg.
“Nếu tuân thủ đúng quy trình chăm sóc, cây bưởi bắt đầu cho trái sau khoảng 2 năm. Những lúc cao điểm, bưởi có giá trên 60.000 đồng/kg, còn lúc thấp nhất cũng hơn 30.000 đồng/kg. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về hơn 300 triệu đồng”, ông Hùng tính toán.
Bưởi da xanh ruột hồng là cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng rất kén đất, nếu chăm sóc không đúng cách cây dễ suy kiệt, bị nhiều loại sâu bệnh tấn công rất khó trị như: bệnh vàng lá Greening, ruồi đục quả…
Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời để vườn bưởi cho năng suất và sản lượng cao, ông Hùng đã tích cực học hỏi kinh nghiệm cũng như tranh thủ sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông qua các buổi tập huấn, hội thảo kỹ thuật và các kênh thông tin khác…
Trước khi trồng, ông nghiên cứu chọn các loại cây giống tốt, sạch bệnh, trồng với mật độ phù hợp và đắp mô để cây không bị ngập úng vào mùa mưa dầm nước nổi hàng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, ông Hùng hạn chế tối đa lượng phân bón vô cơ, thay vào đó dùng nhiều phân hữu cơ, các loại thuốc vi sinh, phân chuồng hoai mục (được xử lý đúng kỹ thuật do chuyên gia tư vấn) giúp cây sung mãn, cho năng suất cao và trái đẹp, đồng thời tuổi thọ cây kéo dài.
Vào THT giúp sản phẩm của nông dân có sức cạnh tranh mạnh hơn (Ảnh TL) |
Tham gia tổ hợp tác
Không chỉ tự thân lập nghiệp, năm 2013, ông Lê Văn Hùng tham gia vào THT bưởi da xanh Cựu chiến binh xã Đạo Thành, hướng đến xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ.
Vào THT, ông Hùng cùng các thành viên được hướng dẫn quy trình sản xuất VietGAP, nâng cao an toàn vệ sinh thực phẩm, cấp mã vùng để tiến hành truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị cho sản phẩm.
“Lợi ích của việc tham gia vào THT là chúng tôi được tham gia tập huấn, nghe tư vấn của các chuyên gia nông nghiệp, được tiếp cận với các kỹ thuật mới giúp năng suất, chất lượng cây trồng tăng, chi phí đầu tư cũng giảm đáng kể”, ông Hùng chia sẻ.
Đơn cử, trong quá trình chăm sóc, thành viên THT được hướng dẫn kỹ thuật nuôi kiến vàng trong vườn cây, một loài “thiên địch” chống lại các loại côn trùng có hại, bảo vệ cho các loại cây ăn quả có múi như bưởi, cam, quít…
Thực tế cho thấy, nuôi kiến vàng trong vườn cây có múi sẽ giảm được sâu bệnh có hại, trái to đẹp, chất lượng trái ngon và mọng nước, người tiêu dùng rất chuộng.
Ông Hùng cũng cho hay nhờ nuôi kiến vàng, ông không phải phun thuốc bảo vệ thực vật, kể cả thuốc trừ cỏ, giảm được chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế. Trung bình mỗi năm, với mô hình trên, ông tiết kiệm chi phí hàng chục triệu đồng.
Với sự đồng hành của THT, cùng sự chủ động trong ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, ông Lê Văn Hùng đang trở thành điểm sáng trong quá trình đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh ruột hồng tại địa phương.
Nhật Minh