![]() |
Người trồng dừa ở Mỏ Cày Nam đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ (Ảnh Tư liệu) |
Sản xuất hữu cơ
Mỏ Cày Nam là huyện có diện tích trồng dừa đứng thứ hai của tỉnh Bến Tre với gần 17.000 ha, chỉ sau huyện Giồng Trôm. Việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả và xây dựng chuỗi giá trị được các địa phương trong huyện tích cực triển khai.
Đến nay, toàn huyện Mỏ Cày Nam có trên 1.000 vườn dừa đang thực hiện quy trình canh tác hữu cơ (chỉ tiêu năm 2019 là phát triển 100 vườn dừa). Trong đó, có 631 vườn dừa, với diện tích 485,6 ha được chứng nhận hữu cơ, giá trị dừa được nâng lên đáng kể.
Sản xuất hữu cơ giúp năng suất, chất lượng dừa gia tăng, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh cho trái dừa địa phương. Theo các hộ trồng dừa, sản phẩm có chứng nhận hữu cơ được doanh nghiệp bao tiêu, hỗ trợ tiêu thụ với giá cao hơn 10 – 20% giá thị trường.
Ông Đoàn Văn Tâm (xã Hương Mỹ) chia sẻ trồng dừa hữu cơ đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, người trồng phải giám sát vườn cây chặt chẽ, xét nghiệm đất, làm cỏ sạch sẽ, điều phối nước tưới… nhưng bù lại là lợi ích vượt trội về nhiều mặt.
Về kinh tế, dừa hữu cơ được bao tiêu với mức giá sàn 50.000 đồng/chục, vào lúc thị trường xuống mức 20.000 – 30.000 đồng/chục, người dân vẫn được doanh nghiệp giữ mức giá sàn, đảm bảo không bị thua lỗ. Khi thị trường ổn định, dừa hữu cơ được thu mua cao hơn 10 – 20%.
Về môi trường, người trồng dừa được hướng dẫn ủ phân hữu cơ, nói không với các loại phân hóa học độc hại, qua đó giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, thoái hóa nguồn đất, nguồn nước, đảm bảo sự phát triển lâu dài của vườn cây.
Trên vườn dừa hữu cơ hơn 14 năm tuổi, ông Tâm phấn khởi nói: “Trồng dừa hữu cơ cực nhưng không uổng công. Với hơn 7 công dừa, nhà tôi tôi thu về hơn 2.000 trái, năng suất cao hơn 30% so với lạm dụng phân hóa học, lợi nhuận từ đó gia tăng lên”.
![]() |
Sản xuất hữu cơ giúp nông dân chinh phục thị trường (Ảnh TL) |
Liên kết tạo sức mạnh
Không chỉ phát triển kinh tế hộ, những năm qua, huyện Mỏ Cày Nam đã khuyến khích các hộ dân liên kết thành lập các tổ hợp tác, HTX để nâng cao nội lực, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Sự khuyến khích, hỗ trợ từ địa phương tạo điều kiện giúp nhiều tổ hợp tác, HTX điểm ra đời, trở thành đại diện của nông dân đứng ra ký kết các hợp đồng sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp, đảm bảo thị trường tiêu thụ, giá bán dừa ổn định.
Có thể kể đến cái tên HTX Định Thủy, được thành lập từ năm 2017, hiện có 185 thành viên. Cùng với 3 HTX khác kinh doanh, sản xuất dừa theo chuỗi giá trị, HTX đã góp phần ổn định đầu vào, đầu ra cho nhiều nông dân, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ dừa.
Khi mới thành lập, HTX hoạt động chưa đạt hiệu quả do nhiều yếu tố về vốn hoạt động ít, không có đối tác, giá cả thị trường không ổn định… Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng tỉnh và huyện, đến nay, HTX hoạt động ổn định và có lãi. Trung bình mỗi ngày, HTX thu mua khoảng 8.000 trái dừa.
Ông Đặng Trúc Phương – Chủ tịch HĐQT HTX, cho hay để xây dựng chuỗi giá trị bền vững, HTX hướng dẫn thành viên, hộ liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ với những tiêu chuẩn cụ thể như không sử dụng phân hóa học, không chăn thả gia súc, gia cầm và không sử dụng cầu cá trong vườn dừa…
“Sản xuất hữu cơ đem lại hiệu quả toàn diện về giá trị kinh tế và sức khỏe cho người trồng dừa, đồng thời tạo ra những lợi ích tích cực trong bảo vệ môi trường sinh thái. Đây cũng là hướng đi tất yếu đảm bảo sự phát triển bền vững của nông dân trong bối cảnh hội nhập”, ông Phương nhấn mạnh.
Nhật Minh