Hiện nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) được làm từ nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường đang là xu hướng của thị trường, được nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng như: Australia, Hoa Kỳ, Thái Lan, Nhật Bản...
Với những ưu điểm của mình, các sản phẩm TCMN do HTX sản xuất đang dần thay thế sản phẩm công nghiệp làm từ nhựa, cao su tổng hợp dễ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng và gây ra không ít tác động xấu cho môi trường.
Mơ về cuộc sống xanh
Tâm huyết với sản phẩm truyền thống và thân thiện với môi trường, chị Võ Thị Mỹ Huệ - Giám đốc HTX, vốn yêu nghề TCMN từ thuở nhỏ. Với chị, sản phẩm TCMN thể hiện sự khéo léo, cần cù của con người đồng thời cũng gần gũi với cuộc sống và thân thiện với môi trường.
Nhận thấy địa phương có lợi về nguyên liệu là cây lác, chị Huệ đến nhiều nơi để học hỏi cách chọn lựa, thu gom, chuẩn bị lác, cách thức của sản phẩm, cách làm kinh tế hợp tác. Đồng thời, chị vận động chị em phụ nữ hiểu được ý nghĩa của mô hình để cùng tham gia HTX, nhất là chị em có hoàn cảnh khó khăn, chưa có việc làm ổn định.
Chị Huệ cho biết ban đầu, chị em ở địa phương làm nhưng chưa có nhiều mặt hàng, chỉ se lõi lác thôi. Thấy vậy nên chị thành lập HTX để có thêm nhiều mặt hàng, tạo việc làm cho chị em. Việc thành lập HTX có thể ký kết được hợp đồng với nhiều doanh nghiệp khác.
Những nỗ lực của chị đã đưa đến thành quả là HTX TCMN Thiên Tân chính thức được thành lập vào năm 2012. Ban đầu HTX chỉ có 10 thành viên, sau thời gian hoạt động hiệu quả, số lượng thành viên đã nâng lên 20 người, giải quyết được việc làm cho hơn 100 lao động thường xuyên và 70 lao động thời vụ. Hiện tại, HTX có 4 tổ se lõi lát chịu trách nhiệm cung cấp sản phẩm lõi, 7 tổ đan đát còn lại hoàn thành các sản phẩm theo yêu cầu.
Mỗi năm, HTX Thiên Tân xuất ra thị trường hàng ngàn sản phẩm TCMN. Được chính quyền xã Trung Thành hỗ trợ vốn mua máy se lõi lác, hoạt động của HTX ngày càng hiệu quả, đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế địa phương cũng như bảo vệ môi trường xanh, sạch.
Sản phẩm của HTX bền, đẹp, thân thiện với môi trường |
Tạo việc làm cho phụ nữ
Để hạn chế trung gian và giảm giá đầu vào, HTX còn nỗ lực tìm nguyên liệu tận gốc từ các xã Trung Thành Đông, Thanh Bình; đồng thời tìm đầu ra tận gốc cho sản phẩm để tăng lợi nhuận. Nhờ thế, lợi nhuận của HTX và thu nhập của người lao động không ngừng tăng.
Chị Phan Thị Nhiên (ấp Trung Trạch) cho biết: “Thấy gia đình tôi còn nhiều lao động chưa tìm được việc làm ổn định, chị Mỹ Huệ hết ngày này đến ngày khác, có khi cả ban đêm đến tận nhà vận động. Sau đó, khi được chúng tôi đồng ý, chị trực tiếp dạy nghề và gần đây còn hỗ trợ máy xe lõi lác để tôi và gia đình có việc làm thường xuyên. Nhờ có được việc làm mà nay gia đình tôi cuộc sống khấm khá”.
Làm quen với nghề đan gia công mấy năm nay, chị Võ Thị Chính (ấp Xuân Lộc) cũng giống như chị Nhiên nhận thấy lợi ích của công việc mang lại. Chị Chính chia sẻ: “Gia đình chủ yếu làm ruộng, sau khi làm đồng về thì rảnh rỗi đan đát các thứ này cũng được, có đồng ra đồng vô, tranh thủ lúc nhàn rỗi, thu nhập bình quân mỗi tháng cũng được vài triệu”.
Còn chị Nguyễn Thị Tươi cùng ấp với chị Chính làm quen với nghề đan gia công từ hơn 10 năm nay. Trước đây, giá cả bấp bênh lại thêm nguồn hàng lúc có lúc không, thu nhập thêm cho gia đình cũng không khấm khá. Hai năm nay, kinh tế gia đình ổn định hơn, thu nhập thêm tuy không cao nhưng giải quyết phần nào chi phí trong nhà. Chị Tươi cho biết: “Làm ruộng thì mỗi vụ được 50 giạ lúa rồi làm thêm đan lát mỗi tháng cũng được và triệu xoay trở trong nhà”.
Trung Thành là xã có khá đông hộ đồng bào Khmer của huyện Vũng Liêm, HTX được thành lập cũng góp phần cùng địa phương giúp đỡ cho các hộ người dân tộc đang gặp khó khăn. Những khởi sắc của HTX và sự ủng hộ của địa phương là nguồn động viên ý nghĩa để chị em phụ nữ đoàn kết, tương trợ nhau phát triển kinh tế.
Hà Xuyên