Xã Hòa Sơn có diện tích đất nông nghiệp khoảng 1.089,41 ha, hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp đã và đang mang lại nguồn thu chủ yếu cho nhân dân trong xã.
Đưa nông sản sang trời Tây
Một trong những mô hình cho giá trị kinh tế cao trong xã là sản xuất dược liệu của HTX Dược liệu Lương Sơn. HTX đang tập trung phát triển cây kim ngân hoa, dây thìa canh đồng thời kết hợp sơ chế, chế biến thành cao dây thìa canh và trà túi lọc dây thìa canh (đã đánh giá phân hạng cấp huyện đạt tiêu chí sản phẩm OCOP 4 sao), đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh.
Ngoài trồng dược liệu, xã còn phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Một trong những trang trại du lịch tiêu biểu là Trang viên Đồng Gội. Khách du lịch sẽ được hưởng không gian nghỉ dưỡng lý tưởng, được thưởng thức những món được chế biến từ những sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ. Đây là hướng đi bền vững, vừa giúp doanh nghiệp phát triển, vừa giúp bà con nhân dân địa phương làm kinh tế, nâng cao thu nhập.
Phát triển nông lâm nghiệp gắn với du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Đặc biệt là giúp tỷ lệ hộ nghèo của xã Hòa Sơn giảm xuống 0,24%, hộ cận nghèo còn 0,58% vào cuối năm 2022.
Tại xã Cao Dương, mô hình trồng bưởi diễn đã được quan tâm đầu tư. Trong đó, HTX nông nghiệp Mỹ Tân áp dụng công nghệ, kỹ thuật vào trồng bưởi. Bưởi của HTX cũng được chuẩn hóa OCOP 3 sao cấp tỉnh và đáp ứng các tiêu chuẩn về mẫu mã, độ Brix và 900 hoạt chất về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các dư lượng khác có liên quan đến an toàn thực phẩm được Hoa Kỳ chấp nhận cho xuất khẩu.
Chính vì vậy, mới đầu tháng 12 vừa qua, HTX Nông nghiệp Mỹ Tân đại diện cho các HTX và tổ hợp tác trồng bưởi diễn trên địa bàn huyện Lương Sơn đã ký hợp đồng cung cấp trên 28.000 quả (tương đương 28 tấn) bưởi diễn cho Công ty cổ phần RYB để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Đây là tín hiệu tích cực khẳng định thành công, hiệu quả của chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bưởi huyện Lương Sơn năm 2023. Đồng thời chứng minh bưởi diễn là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao. Theo tính toán của các HTX Tân Mỹ, 1ha trồng bưởi diễn với 450 gốc, mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 - 300 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã vào liên kết với HTX nên việc tiêu thụ, xuất khẩu được bền vững hơn.
Sản xuất kinh doanh giỏi
Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Lương Sơn đã phát động mạnh mẽ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm kinh tế.
Từ đây, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu trong phát triển sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: Mô hình nuôi bò sữa; mô hình chăn nuôi Trâu sinh sản xã Nhuận Trạch và xã Liên Sơn; mô hình sản xuất rau, củ, quả hữu cơ ở các xã Liên Sơn, Cơ Yên, Cao Dương, Cao Sơn, Nhuận Trạch…
Bưởi diễn đang là nông sản cho giá trị kinh tế cao tại Lương Sơn. |
Tiêu biểu như HTX chuối Viba đã tạo sức lan tỏa khi đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Mô hình giúp làm tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Cây chuối mỗi lần trồng thu hoạch 4 lứa trong vòng 3 năm. Doanh thu hàng năm của HTX đạt trên 9 tỷ đồng, sản lượng đạt trên 1.000 tấn, bình quân hàng năm thu lợi nhuận trên 196 triệu đồng/ha, giải quyết việc làm cho trên 50 lao động địa phương.
Ngoài HTX Viba, trên địa bàn huyện Lương Sơn hiện còn có 21 tổ hợp tác, 61 HTX. Các tổ hợp tác, HTX đang đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất theo chuỗi, từ đó làm nền tảng thúc đẩy kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất của huyện ước đạt 16%; thu nhập bình quân đầu người là 52 triệu đồng.
Trong 5 năm qua, đã có 1.698 hộ dân trong huyện thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,73% năm 2015 xuống còn 2,57% năm 2022.
Gỡ khó cho du lịch nông nghiệp
Trên thực tế cho thấy, Lương Sơn còn nhiều tiềm năng giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo và làm giàu chính đáng như phát triển nông nghiệp hữu cơ, du lịch trải nghiệm…
Chị Hoàng Bích Thùy, Tổ trưởng Tổ hợp tác rau hữu cơ xóm Gừa (xã Cư Yên) cho biết sản xuất nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch giúp gia tăng giá trị kinh tế. Các thành viên đang manh nha trồng hoa sen để thu thu hút du khách, trồng các loại cây bóng mát...
Tuy nhiên, muốn làm được, chị Hoàng Bích Thùy cho rằng cần chính quyền địa phương hỗ trợ nhiều mới có thể đi đến chuyên nghiệp. Bởi để làm du lịch cộng đồng, phải có nhà để du khách có nơi nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, nhiều hộ vẫn chưa dám đầu tư nhiều cho du lịch nông nghiệp, bởi khó khăn về vốn, đất chỉ thuê được 5 năm nên lo khi đầu tư chưa thu hồi vốn thì hết thời gian thuê đất.
Để tiếp tục giúp người dân giảm nghèo và làm giàu chính đáng, ông Bùi Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết trước tiên cần phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi và lựa chọn những sản phẩm đặc trưng để phục vụ khách du lịch. Đi liền với đó, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với các doanh nghiệp du lịch để tăng tính chuyên nghiệp.
Giai đoạn 2021 – 2025, huyện phấn đấu có 980 doanh nghiệp và HTX thành lập mới, đến năm 2025 có khoảng 1.950 doanh nghiệp, HTX hoạt động kinh doanh hiệu quả, gấp 2 lần năm 2020. Huyện kỳ vọng thu hút được 80 dự án trong nước, tổng số vốn đăng ký 4.000 tỷ đồng, 12 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 75 triệu USD. Đây cũng là nền tảng để xây dựng các chuỗi liên kết, giúp người dân giảm nghèo hiệu quả, bền vững.
Minh Nhương