Lục Ngạn hiện có hơn 100 HTX tham gia các hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực nông, lâm nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tín dụng, vệ sinh môi trường, quản lý đất khai thác chợ… Các HTX đang là điểm tựa cho gần 2.700 thành viên, với tổng số vốn đăng ký hơn 230 tỷ đồng.
Thúc đẩy phát triển HTX
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết: “Những năm qua, công tác phát triển, nâng tầm HTX được huyện đặc biệt chú trọng, nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp thiết về việc mở rộng thị trường, hình thành chuỗi liên kết, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, dịch vụ”.
Đơn cử, huyện đã hỗ trợ cho 2 HTX xây dựng kho xưởng bảo quản nông sản là HTX Dịch vụ nông nghiệp Hồng Xuân và HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Mộc với tổng diện tích 200 m2/xưởng; tổng vốn đầu tư trên 1,2 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước chiếm 940 triệu đồng, các HTX đối ứng 260 triệu đồng.
Với sự trợ lực mạnh mẽ từ địa phương, các HTX trên địa bàn huyện đã có điều kiện để phát huy lợi thế về tự nhiên, ngành nghề truyền thống, tích cực chuyển đổi, mở rộng diện tích trồng các loại cây ăn quả, các nghề truyền thống thế mạnh của địa phương.
Hàng loạt HTX điển hình trên địa bàn huyện được hình thành, trở thành “bà đỡ” kinh tế hộ, như HTX Hồng Xuân, HTX Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Long Khánh, HTX Quyết Tiến, HTX Nuôi ong xuất khẩu Nghĩa Hồ, HTX sản xuất và tiêu thụ mỳ Thủ Dương…
HTX Mỳ gạo Hiền Phước (xã Nam Dương) được thành lập năm 2015, xuất phát điểm với 10 hộ thành viên, đến nay đã tăng lên 45 hộ, giải quyết việc làm cho 80 lao động chính, với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Bình quân mỗi ngày, HTX sản xuất được 4 tấn gạo nguyên liệu.
Không chỉ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX Hiền Phước còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu và đa dạng hóa các mặt hàng cũng như mẫu mã, bao bì nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.
Hiện, các sản phẩm mỳ gạo của HTX đã có 4 loại gồm: Mỳ phở sợi to; mỳ gạo sợi vừa; mỳ gạo sợi nhỏ - miến và mỳ gạo lứt. Sản phẩm của HTX ngày càng được tiêu thụ rộng rãi tại các thị trường trong và ngoài nước, với tổng sản lượng 35 - 40 tấn sản phẩm/tháng.
Hơn 100 HTX đang trở thành nhân tố thúc đẩy NTM huyện Lục Ngạn |
Tạo đà xây dựng NTM
Hiệu quả vượt trội của các HTX chính là một trong những nhân tố quan trọng giúp Lục Ngạn - vốn là một huyện vùng cao - liên tục gặt hái những thành công ấn tượng trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) sau 10 năm triển khai.
Chủ tịch huyện Lục Ngạn - ông Nguyễn Thanh Bình, cho hay: “Lục Ngạn xuất phát điểm NTM với bình quân 5,4 tiêu chí/xã, đối mặt vô vàn khó khăn. Để vượt qua, huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, lồng ghép các nguồn lực nhằm hỗ trợ các địa phương phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, hình thành các HTX điển hình, qua đó, tạo nên khác biệt”.
Kết quả, Sau 10 năm xây dựng NTM, kinh tế - xã hội huyện không ngừng được nâng lên, an ninh - quốc phòng ổn định. Đời sống của người dân nông thôn từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 43,96% (năm 2010) xuống còn 10,55% (năm 2018). Tính đến thời điểm này, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 99,02%; số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 93,5%...
Bình quân tiêu chí của cả huyện đạt 13,1 tiêu chí/xã. Đến hết năm 2019 toàn huyện có 4 thôn đạt chuẩn thôn NTM. Năm 2020, huyện dự kiến xây dựng 3 thôn đạt NTM kiểu mẫu gồm thôn Lâm Trường (xã Nghĩa Hồ), thôn Muối (xã Giáp Sơn) và thôn Bồng 1 (xã Thanh Hải); xây dựng các xã Biển Động, Biên Sơn, Phượng Sơn, Đồng Cốc đạt chuẩn NTM.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện đề ra các mục tiêu chủ yếu như tiếp tục giữ vững các xã đạt chuẩn NTM, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được; phấn đấu xây dựng thêm 7 xã NTM, 9 xã NTM nâng cao. Phấn đấu đến năm 2025, các xã chưa đạt chuẩn tăng từ 0,5 tiêu chí/năm.
“Để hoàn thành các mục tiêu NTM, phát triển nông nghiệp theo chuỗi với sự tham gia của các HTX là điều kiện tất yếu và sẽ tiếp tục nhận được nhiều nguồn lực đầu tư của huyện”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Hiến Nguyễn