HTX Trường Tiến (xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, Sơn La) có 12 ha cây ăn quả có múi và 18 ha cà phê trồng xen bơ, trong đó, 12 ha trồng cây ăn quả đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Với các nguyên liệu sẵn có từ vỏ cà phê, lõi ngô, phân chuồng và bã dong riềng... các thành viên HTX đã ủ thành phân hữu cơ thay thế hoàn toàn phân hóa học để chăm bón vườn cây ăn quả.
Quy trình sản xuất khép kín
Hiện nay, chi phí sản xuất phân hữu cơ chỉ có giá khoảng 2.000 đồng/kg, rẻ hơn so với giá các loại phân vô cơ bán trên thị trường. Ưu điểm của phương pháp sản xuất này lại tận dụng được các phế phẩm nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường.
Từ khi sử dụng phân bón hữu cơ, hàng năm, HTX tiết kiệm hàng chục triệu đồng chi phí mua phân bón, vườn cây sử dụng phân bón hữu cơ đất được cải tạo, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, sản lượng quả tăng khoảng 30%.
Mô hình trồng cam của HTX Trường Tiến (Ảnh: TL) |
Một ví dụ khác là HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng (Nà Bó) có 50 ha cây ăn quả, trong đó có 5,5 ha thanh long đã cho thu hoạch. Diện tích thanh long của HTX hoàn toàn sử dụng các loại phân hữu cơ để có thể cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài mua các loại phân trên thị trường, HTX còn tận dụng cành thanh long, rơm, các phế phẩm nông nghiệp ủ phân để bón cho cây trồng. Các sản phẩm quả của HTX nói chung và quả thanh long ruột đỏ nói riêng rất được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn.
Theo Ban giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng, HTX đã thuê các kỹ sư để hỗ trợ cũng như kiểm soát hoạt động sản xuất. Việc này giúp người dân nắm bắt và tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, nhất là việc sử dụng phân bón để các loại cây trồng làm ra có thể bảo đảm các tiêu chí trong sản xuất VietGAP, hữu cơ.
Mặc dù trước đây, người dân Sơn La đã có ý thức sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp.Tuy nhiên, thói quen sử dụng chủ yếu phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp vẫn phổ biến, hoặc tình trạng người dân sử dụng phân bón hữu cơ không cân đối với các giai đoạn phát triển của cây trồng nên hiệu quả kinh tế và môi trường không cao.
Từ khi tham gia các HTX và thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tăng cường kết nối theo chuỗi giá trị, người dân đã được đào tạo về quy trình sản xuất phân hữu cơ bằng cách sử dụng phế phẩm nông nghiệp, chất thải, bã thải chăn nuôi thu gom ủ mục hoặc sử dụng các chế phẩm sinh học, men vi sinh cùng phế, phụ phẩm nông nghiệp, như vỏ cà phê, rơm rạ, vỏ sắn, phân trâu bò, phân lợn... để ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Cách tạo ra phân bón, sử dụng chất thải cũng bảo đảm theo yêu cầu nhất định, trong khi việc sử dụng liều lượng, thời gian, số lượng ra sao cũng được kiểm soát.
Tích cực liên kết, xây dựng thương hiệu
Theo UBND tỉnh Sơn La, để hỗ trợ các HTX sản xuất theo phương pháp hữu cơ, trong 2 năm (2019-2020) tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 245 ha cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ; 12 mô hình ủ phân hữu cơ trên địa bàn 12 huyện, thành phố với số lượng 13.000 tấn.
Các HTX sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ cho thấy cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, tăng tỷ lệ các loại vi sinh vật trong đất làm đất tơi xốp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chất lượng sản phẩm được nâng cao, giá bán sản phẩm tăng hơn 10-30% so với sản phẩm khác.
Tiêu biểu như tại HTX sinh thái Nà Sản (xã Hát Lót) tập trung phòng trừ sâu bệnh bằng vi sinh vật, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp nuôi giun quế, tạo nguồn phân hữu cơ. Cách làm này giúp giá trị sản phẩm tăng cao. Năm 2019, HTX xuất bán ra thị trường gần 40 tấn thanh long, hơn 100 tấn nhãn, 25 tấn cam... thu trên 5 tỷ đồng. Các sản phẩm nông sản của HTX đã liên kết với các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Bắc Giang...
Sử dụng phân bón hữu cơ giúp giải quyết vấn đề môi trường và gia tăng lợi ích kinh tế |
Từ kết quả của mô hình sản xuất hữu cơ, ủ phân hữu cơ đã góp phần nâng cao nhận thức của các HTX, hộ gia đình trong việc sử dụng hợp lý phân bón trong trồng trọt, góp phần chuyển thúc đẩy sử dụng phân bón vô cơ sang sử dụng phân bón hữu cơ, từng bước cải thiện môi trường và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Nhằm nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản thông qua sản xuất hữu cơ, tỉnh Sơn La đã chủ động kêu gọi doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tích cực liên kết với các HTX, hộ gia đình hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững với hệ thống trong nước và xuất khẩu.
Như Yến