Thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho thấy, chỉ tính riêng phân bón, bình quân mỗi năm cả nước sử dụng 10,3 triệu tấn, trong đó phân vô cơ chiếm đến 7,6 triệu tấn còn phân bón hữu cơ là 2,63 triệu tấn.
Ô nhiễm từ lạm dụng thuốc BVTV
Còn về thuốc BVTV, mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 100.000 - 120.000 tấn. Cùng với đó, có trên 20.000 loại phân bón khác nhau được sản xuất trong nước. Biểu hiện của tình trạng này chính là số doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cũng tăng nhanh chóng.
Số liệu của Cục bảo vệ thực vật cũng cho thấy, nếu như năm 2010 cả nước mới có khoảng 200 công ty sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật thì đến năm 2020, số lượng này đã tăng lên 710 công ty. Trong khi công tác quản lý, kiểm tra việc sản xuất kinh doanh thuốc BVTV hiện nay vẫn bị buông lỏng nên vẫn còn xảy ra tình trạng sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV giả, kém chất lượng.
Lạm dụng thuốc trừ sâu hóa học khiến hoa ở Mê Linh (Hà Nội) "ngậm thuốc" và đất đai nhanh chóng bị thoái hóa. |
Bên cạnh đó là khoảng 55% nông dân hiện nay vẫn chưa tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách) khi sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật. Tất cả những điều trên cho thấy, ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật hóa học là hiện hữu. Bởi thông qua các hoạt động phun, xịt thuốc, các hạt thuốc bảo vệ thực vật sẽ rơi vào đất, hoặc theo mưa lũ, theo xác sinh vật vào đất, nước...
Kết quả của một nghiên cứu cho thấy khi bón hoặc phun thuốc cho cây trồng thì có tới 50% số thuốc ngấm vào đất, làm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí.
Tại Việt Nam, diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 27,3 triệu ha, tuy nhiên diện tích đất bị ô nhiễm, thoái hóa là 9,34 triệu ha. Ngoài ra, còn có những diện tích bị chua hóa, xói mòn, giảm chất dinh dưỡng do tác động của môi trường và do lạm dụng thuốc hóa học làm suy giảm đa dạng sinh học trong môi trường tự nhiên.
Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, lạm dụng phân và thuốc hóa học còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các loại nông sản. Chẳng hạn như đối với các loại cây ăn quả nước ta hiện là khoảng 1,14 triệu ha, tổng sản lượng trái cây khoảng 12,6 triệu tấn/năm. Trái cây Việt Nam đang được xuất khẩu đến 60 quốc gia, chiếm gần 1% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này trên thế giới.
Tuy nhiên, để xuất khẩu được, trái cây của Việt Nam phải vượt qua được hàng rào về kỹ thuật. Trong đó, tiêu chuẩn cơ bản là phải được cấp mã số vùng trồng, phải được cấp chứng thư xuất khẩu và không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu không bảo đảm được chất lượng, trái cây Việt Nam sẽ bị trả về. Điều này vừa gây tổn thất về chi phí, vừa làm ảnh hưởng đến thương hiệu trái cây Việt Nam.
Giảm ô nhiễm từ sản xuất bền vững
Để giải quyết tình trạng trên, việc sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường là điều cần thiết nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng thuốc BVTV và bảo vệ môi trường.
Nhận thức được điều này, đến nay đã có nhiều mô hình áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Tiêu biểu như HTX cam sành Hiếu Xuân Tây (Vĩnh Long).
Ông Nguyễn Tấn Hải, Giám đốc HTX cho biết, trước đây trung bình mỗi năm, thành viên sẽ tốn khoảng 20 triệu đồng để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phun cho 1 công cam (1.000m2). Bà con cứ phát hiện cam có bệnh là mua thuốc về phun. Số lần phun lên đến hơn 10 lần/năm, cao điểm có những tháng phải phun thuốc 2 lần.
Phun nhiều, phun dày như vậy, nhưng hiệu quả đạt được không cao. Nhiều loại sâu bệnh càng phun càng có xu hướng lan rộng hơn do chúng đã kháng thuốc hoặc do thành viên mua phải thuốc kém chất lượng. Điều đó khiến môi trường bị ô nhiễm, cam ngày càng còi cọc và mắc nhiều bệnh.
Để giải quyết thực trạng này, sau nhiều lần học hỏi kinh nghiệm và được sự hỗ trợ từ địa phương, HTX đã tiến hành cải tạo đất bằng phân hữu cơ đồng thời áp dụng nguyên tắc sử dụng thuốc 4 đúng. Đến nay, lượng phân thuốc bảo vệ thực vật chỉ được thành viên phun 2-3 lần trong năm khi cây bị mắc những bệnh nhất định. Điều này giúp thành viên tiết kiệm được chi phí , môi trường sinh thái cũng được bảo vệ.
“Nhờ quan tâm đến bảo vệ môi trường, đến nay, thành viên đã từ bỏ thói quen sử dụng phân thuốc ào ạt đối với những ruộng cam”, ông Nguyễn Tấn Hải cho biết.
Sử dụng phân, thuốc theo nguyên tắc "4 đúng" giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và môi trường sinh thái. |
Hiện, trung bình 1 công cam sau khi trừ chi phí phân thuốc công lao động, thành viên HTX sẽ thu về 140- 150 triệu đồng nhờ sản xuất theo hướng thân thiện môi trường.
HTX cam sành Hiếu Xuân Tây chỉ là một trong số các HTX đang thực hiện sản xuất theo hướng sạch, an toàn nhằm góp phần nâng cao chất lượng môi trường và chất lượng nông sản trên thị trường.
Qua thống kê, đến năm 2020, cả nước có khoảng 160 nghìn ha được chứng nhận VietGAP, 23.000 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó, khoảng 70% diện tích sản xuất theo VietGAP và hữu cơ là do các HTX, tổ hợp tác thực hiện.
Để tiếp tục nâng cao diện tích sản xuất bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường và thu hút các HTX tham gia, các chuyên gia cho rằng các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn đến người dân, HTX về sản xuất theo các mô hình tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP.
Mặt khác, các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng sản xuất an toàn, hỗ trợ người dân, HTX về vốn, kỹ thuật, cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhằm tạo thuận lợi cho việc xây dựng các mô hình chuỗi giá trị, trong đó lấy HTX là hạt nhân để liên kết người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật để tránh tình trạng sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Đây sẽ là nền tảng để các HTX bảo đảm các tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất, từ đó bảo đảm sức khỏe con người và bảo vệ môi trường sinh thái.
Như Yến