Có lẽ điều mà bất kỳ ai đã từng đến Bình Gia một lần và trở lại lần thứ hai cũng dễ nhận thấy sự đổi thay từ những nếp nhà của người dân. Xưa là những mái nhà nhỏ, ọp ẹp thì nay đã được xây dựng lại khang trang, kiên cố, tường nhà tre nứa đã được làm lại bằng gạch hoặc bằng gỗ quế chắc chắn. Điều này phần lớn là nhờ vào việc người dân phát triển trồng quế trong những năm gần đây.
Ấm no hơn nhờ trồng quế
Bà Đặng Thị Tàn (xã Tân Hòa) cho biết 8 năm trước, gia đình bà trồng 10 vạn cây quế trên diện tích 15 ha. Sau 5 năm, gia đình thu hoạch theo hình thức tỉa được 3 tấn vỏ quế giúp mang về nguồn thu 130 triệu đồng. Theo bà Tàn, trung bình 1 ha quế trồng 10 năm sẽ cho thu về 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình bà còn đầu tư làm vườn ươm cây quế phục vụ nhu cầu giống của người dân nên mỗi năm có thêm thu nhập khoảng 200 triệu đồng sau khi bán khoảng 30 vạn cây con.
Gia đình chị Triệu Thị Tuyết (xã Vĩnh Yên) hiện cũng có 10ha quế từ 1 -8 tuổi. Hiện, diện tích quế của gia đình đang bắt đầu cho thu hoạch. Chỉ nhờ thu hoạch tỉa, mỗi năm gia đình cũng có nguồn thu từ 40-60 triệu đồng. Trong thời gian tới, chị và gia đình tập trung phát cỏ trên diện tích trồng mới, chăm sóc bón phân cho diện tích đã được khai thác để tiếp tục bảo đảm nguồn thu, ổn định kinh tế.
Cũng nhờ phần lớn từ quế mà năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Bình Gia chỉ còn 20,6%, giảm hơn 12% so với năm 2020. Nhiều hộ gia đình có thu nhập khá từ 50 - 100 triệu đồng/năm, chủ yếu là bán quế. Chính vì vậy, quế được xác định là cây trồng thế mạnh và được ưu tiên phát triển tại các xã.
Tiêu biểu như tại xã Vĩnh Yên, cuối năm 2022 toàn xã có trên 750ha rừng trồng, trong đó, riêng cây quế đã lên đến 610ha, còn lại là diện tích trồng hồi, keo và một số cây lâm nghiệp khác như mỡ, lát hoa. Hay tại xã Tân Hòa hiện đã có gần 600ha quế với độ tuổi từ 1-10 năm. Với mong muốn thực hiện được vai trò liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân, tháng 9/2021, HTX Quế - Thạch đen Tân Hòa được thành lập nhằm cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản mà chủ lực là cây quế cho người dân. Ngoài ra, HTX còn đầu tư máy móc phục vụ sơ chế, chế biến quế đồng thời tìm kiếm thị trường và tiêu thụ sản phẩm để tạo chuỗi liên kết bền vững. Riêng hoạt động bán giống cũng đã giúp HTX thu về khoảng 400-500 triệu đồng/năm.
Chị Hoàng Thị Thương (xã Tân Hòa), cho biết từ khi HTX đi vào hoạt động, người dân ít phải chịu cảnh bị thương lái ép giá. HTX cũng đã tạo việc làm ổn định cho 5 - 7 lao động địa phương, trong đó có chị với các công việc chủ yếu như vào bầu quế, chăm sóc vườn ươm quế, chăm sóc rừng quế và một số công việc khác tại xưởng.
Hiện nay, cây quế không chỉ được trồng tập trung tại xã Vĩnh Yên, Tân Hòa mà còn được trồng tại các xã: Thiện Long, Hòa Bình, Hưng Đạo… Việc các xã tập trung phát triển cây quế giúp tổng diện tích loại cây này trên địa bàn huyện nâng lên khoảng 4.000ha.
Theo tính toán của người dân và ngành nông nghiệp huyện, sau 5 năm trồng, cây quế có thể cho thu hoạch và được bán. Quế cho thu hoạch toàn bộ cả cây: đối với vỏ thu hoạch vào 2 vụ chính từ tháng 4 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 10 hằng năm. Cành, lá thu hoạch quanh năm đề chưng cất tinh dầu; khi khai thác hết thì thân cây bán làm gỗ… Chính vì vậy, quế là cây có giá trị kinh tế cao.
Quế đang là cây trồng chủ lực, giúp nhiều người dân nâng cao thu nhập và thoát nghèo. |
Chị Hoàng Thị Thương cho biết, nếu ký hợp đồng với HTX, trung bình 1 tấn lá quế khô, sau khi chưng cất sẽ thu được từ 5 - 7 lít tinh dầu, với giá bán từ 600.000 - 650.000 đồng/lít đem lại cho người dân một khoản thu không nhỏ mà còn tiết kiệm được chi phí vận chuyển, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm quế của địa phương
Chính quyền đồng hành cùng người dân
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây quế, UBND huyện Bình Gia đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó mũi nhọn là trồng cây quế.
Từ các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đặc biệt là nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 30a…, người dân đã được hỗ trợ phân bón, giống cây trồng với tổng kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng. Từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, nhiều hộ được vay vốn ưu đãi để mở rộng quy mô trồng quế.
Theo thống kê của UBND huyện, để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đồi rừng, trồng các loại cây lâm nghiệp, trong đó có cây quế, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã có 31 dự án vay vốn được phê duyệt, tổng số tiền đã giải ngân là 13.778,2 triệu đồng. Năm 2022, UBND huyện Bình Gia tiếp tục chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc, mở rộng diện tích phấn đấu trung bình mỗi năm, toàn huyện trồng được thêm 500 ha cây quế.
Anh Đặng Hoa Lin (xã Tân Hòa) cho biết nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng sang trồng quế tại vườn nhà. Hiện nay, gia đình anh có trên 5ha rừng quế với hơn 15.000 cây, cho thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng/năm. Cái nghèo vì thế cũng lùi xa.
Xác định cây quế là cây thế mạnh của địa phương, UBND huyện cũng đã cử cán bộ nông lâm nghiệp trực tiếp hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế; tuyên truyền cho bà con áp dụng kỹ thuật khoa học vào cây trồng, chăm sóc cây trồng để đem lại hiệu quả thiết thực hơn.
Thu hút người dân liên kết
Diện tích quế phát triển mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân. Tuy nhiên, một điều mà các cơ quản quản lý của huyện vẫn còn băn khoăn đó chính là số tổ hợp tác, HTX phát triển trong ngành lâm nghiệp, trong đó HTX chuyên phát triển có cây quế theo chuỗi giá trị chưa nhiều. Hiện, chỉ có HTX Tân Hòa là mô hình tiêu biểu. Ngoài ra có HTX sản xuất dịch vụ nông, lâm nghiệp xã Thiện Long đã thành lập riêng một tổ hợp tác trồng quế. Đến nay, tổ hợp tác này đã phát triển được 50ha quế, đứng ra bao tiêu cho người dân.
Việc vẫn chưa xây được nhiều HTX để tối ưu hóa giá trị của cây quế được cho là do Bình Gia có 18 xã, 1 thị trấn, trong đó 12 xã đặc biệt khó khăn với các dân tộc Nùng, Tày, Dao, Kinh, Hoa… Toàn huyện có trên 98.000ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 89% tổng diện tích tự nhiên. Diện tích rừng sản xuất lớn, nguồn lao động dồi dào là lợi thế để địa phương này phát triển lâm nghiệp. Tuy nhiên, người dân lại chưa hiểu hết vai trò của mô hình HTX kiểu mới.
Bên cạnh đó, những khó khăn trong việc đưa các sản phẩm quế tiếp cận thị trường vẫn còn khó khăn, chưa có doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào chuỗi giá trị quế trên địa bàn do giao thông, địa hình còn phức tạp. Ngay như HTX Tân Hòa hiện cũng còn nút thắt trong nguồn vốn để đầu tư máy móc chế biến khép kín. Khâu truyền thông, quảng bá sản phẩm chưa mạnh mẽ nên chưa hút được doanh nghiệp liên kết.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia Hoàng Văn Chung, những năm qua, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện đã quyết liệt chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, đưa các giống quế có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Huyện cũng tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân đi tham quan những mô hình HTX sản xuất hiệu quả để tạo lòng tin về kinh tế tập thể.
Đi liền với đó, huyện sẽ hỗ trợ người dân thành lập các tổ hợp tác, các nhóm trồng quế, sau đó phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện tập huấn kỹ năng quản lý Tổ, nhóm; xây dựng quy chế hoạt động cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng quế, chăm sóc, thu hoạch vỏ quế; thu mua vỏ quế cho các Tổ, nhóm và nhân dân trên địa bàn có nhu cầu. Khi những tổ, nhóm trồng quế này phát triển ổn định sẽ định hướng đến phát triển thành các HTX để nâng cao hiệu quả sản xuất quế hàng hóa.
Thời gian tới, huyện Bình Gia cũng khuyến khích các cơ sở, tổ hợp tác, HTX liên kết với các doanh nghiệp, chế biến tinh dầu quế, vỏ quế, gỗ quế cùng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế, tạo đầu ra ổn định để người dân yên tâm gắn bó với cây quế; từ đó bảo đảm phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Minh Nhương