Sau hơn 70 năm phát triển, cà phê Sơn La từ loại cây giảm nghèo đã trở thành cây trồng chủ lực, vươn tầm thế giới khi xuất khẩu đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thương hiệu vươn tầm thế giới
Sơn La là một trong những tỉnh nghèo, đồng bào dân tộc Thái chiếm phần lớn tỷ lệ dân cư. Với khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, hệ thống núi non trùng điệp được bao quanh bởi các bồn địa, các cao nguyên, Sơn La là mảnh đất rất thích hợp để trồng và phát triển cây cà phê. Do đó, cách đây nhiều năm, Sơn La đã chọn cà phê là một trong những loại cây trồng giảm nghèo chủ lực của địa phương, chủ yếu là giống cà phê chè (cà phê Arabica).
Hơn 30 năm gắn bó với cây cà phê, ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao, xã Hua La, TP. Sơn La luôn trăn trở tìm giải pháp nâng cao giá trị cho cây trồng này.
Ngay từ khi thành lập, HTX đã đưa vào sản xuất giống mới và tập trung phát triển dòng cà phê hữu cơ, cà phê đặc sản. Đến nay, HTX đã trồng được 150 ha cà phê đặc sản. Cà phê bột nguyên chất của HTX Cà phê Bích Thao là sản phẩm duy nhất của tỉnh Sơn La thuộc top 20 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia năm 2021.
Các HTX trồng cà phê đã phát triển dòng sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. |
Giám đốc Nguyễn Xuân Thao chia sẻ: "Từ năm 2017, 2018 khi được chuyển giao công nghệ của Viện khoa học nông nghiệp, HTX đã chuyển sang trồng cà phê hữu cơ, đến nay đã trồng 150 ha cà phê đặc sản. Giống này kháng được bệnh, thích nghi môi trường hiện tại, năng suất cao, giá trị cao hơn".
Hiện, toàn tỉnh Sơn La có 6 doanh nghiệp, HTX sản xuất cà phê lớn (Minh Tiến; Cát Quế; Phúc Sinh; Minh Châu; Bích Thao; AraTay) thì cả 6 đơn vị đã được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” và đều tham gia chế biến sâu, sản xuất ra cà phê hạt rang, cà phê bột phục vụ tiêu dùng trong ngoài tỉnh.
Tổng sản lượng cà phê nhân trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt gần 30.000 tấn, tiêu thụ, xuất khẩu trên 95%, còn lại khoảng 5% đưa vào các cơ sở chế biến cà phê rang, cà phê xay, cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê túi lọc, trà vỏ cà phê tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Sản lượng cà phê xuất khẩu năm 2022 đạt 30.500 tấn với giá trị trên 82,2 triệu USD (chiếm 37,6% tổng giá trị hàng nông sản tham gia xuất khẩu của tỉnh) tại thị trường EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, các nước Trung Đông và ASEAN.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La, cây cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp bà con xoá đói giảm nghèo và có thu nhập ổn định.
Nâng cao thu nhập từ thương hiệu sản phẩm
Trong chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững của Sơn La, cây cà phê có vị trí quan trọng. Bởi đây là cây chủ lực, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân, trong đó có những hộ đạt từ 200-300 triệu đồng/năm.
Tại HTX Ara-Tay Coffe, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, Giám đốc Cầm Thị Mòn cho biết: Hiện, diện tích cà phê của các thành viên HTX lên đến hơn 200ha và trên 300ha của các hộ trong xã để có thể lựa chọn được những quả cà phê có chất lượng tốt nhất.
HTX có 4 sản phẩm cà phê chất lượng cao: Cà phê nhân xanh Natural, cà phê Honey nhân xanh, cà phê bột và hạt Natural, cà phê bột và hạt Honey. Năm 2022, Thương hiệu Ara Tay Coffee được công nhận là một trong 19 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.
Chị Lò Thị Thủy, thành viên HTX Ara Tay Coffee chia sẻ: "Khi thành lập HTX, cuộc sống của chị em phụ nữ không chỉ thay đổi về mặt vật chất mà còn thay đổi cả về tinh thần. Theo đó, chị em được giao lưu học hỏi trau dồi kinh nghiệm, khi tạo ra sản phẩm thương hiệu cà phê thì thu nhập chị em cũng tăng lên".
Ông Cầm Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Chung đánh giá, cà phê ở Chiềng Chung ngày một được phát triển lên tầm cao mới, chủ lực là các dòng cà phê đặc sản của HTX Ara Tay Coffee.
Sự phát triển về thương hiệu cà phê đặc sản Chiềng Chung cũng minh chứng cho những nỗ lực đổi thay của người dân nơi đây, cà phê không chỉ là cây trồng chủ lực, mà còn là biểu tượng của người dân địa phương. Không còn câu chuyện đói nghèo khi biết tận dụng điều kiện sẵn có và biến lợi thế thành cơ hội để phát triển.
Sơn La là một trong những địa phương có diện tích, sản lượng cà phê lớn hàng đầu cả nước. |
Cũng chính từ cây cà phê, Chiềng Chung đã thay da đổi thịt, rũ bỏ hình ảnh một miền sơn cước nghèo khó, khoác lên mình sự nhộn nhịp, hiện đại trong sản xuất giao thương, vươn lên trở thành một trong những vùng kinh tế điểm của toàn tỉnh Sơn La.
Hình thành vùng trồng cà phê bền vững
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, sau hơn 30 năm phát triển cây cà phê, Sơn La hiện là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất miền Bắc, với khoảng 20.000 ha, sản lượng khoảng 30.000 tấn/ năm. Trong đó có trên 16.000 ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương; 2 vùng trồng cà phê được UBND tỉnh công nhận vùng trồng ứng dụng công nghệ cao.
Đặc biệt, cà phê Sơn La có bước chuyển mình mạnh mẽ khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho các loại sản phẩm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột; có 1 sản phẩm cà phê đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia, trở thành những sản phẩm đặc sản vùng miền, được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao.
“Từ “sứ mệnh” xóa đói giảm nghèo, cây cà phê giờ đã trở thành cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La. Nhiều sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao từng bước chinh phục các thị trường khó tính, góp phần khẳng định hình ảnh, thương hiệu cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới”, ông Nguyễn Thành Công cho hay.
Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân 3%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 3%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo 4-5%/năm; có 1 huyện thoát nghèo.
Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu cây cà phê, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người nông dân. Để phát triển cây cà phê bền vững, ngoài việc đảm bảo quy hoạch vùng trồng, còn phải tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gắn sản xuất với việc thành lập các HTX, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến quả cà phê, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thực hiện thành công mục tiêu xóa đói, giảm nghèo đã được đề ra.
Thu Hiền