Được thành lập năm 2015, HTX Cà phê Công Bằng Sa Mù với 13 hộ thành viên cùng liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê nhằm mang lại lợi ích tối đa cho mọi người, đồng thời phát triển cây cà phê theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Tận dụng vỏ cà phê
Trung bình, 1ha cà phê sau khi thu hoạch sẽ thu được 3 tấn vỏ. Nhưng trước đây, chỉ một ít lượng vỏ này được tận dụng vào bón cho cây trồng. Nhưng, do đổ trực tiếp vào gốc cây, nên cây không hấp thụ được, tạo điều kiện cho các vi sinh vật có hại phát triển gây bệnh cho cây cà phê. Vì thế, các hộ thành viên và nông dân phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), gây ô nhiễm môi trường.
Nhằm tận dụng nguồn phế phẩm dồi dào có sẵn trong sản xuất và hạn chế chất thải ra môi trường, HTX đã thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê và được người dân, các thành viên hưởng ứng.
Vỏ cà phê sẽ được trộn với các chất vi sinh, sau đó ủ trong 2 tháng. Hết khoảng thời gian này, hỗn hợp phân vi sinh tiếp tục được xay nhỏ để đóng gói.
Qua quá trình ủ và xử lý, hỗn hợp phân hữu cơ vi sinh có thể sử dụng cho mọi loại đất. Đặc biệt, nếu bán ra thị trường giá thành rất rẻ, hàm lượng chất dinh dưỡng trong phân được bảo đảm.
Ông Võ Chánh Thi - thành viên HTX, cho biết: Ưu điểm của phân vi sinh từ vỏ cà phê là dễ làm, tận dụng nguyên liệu, đầu tư ít. Trong phân còn có hàm lượng men, đường, ka li, đạm, vôi làm tăng thêm độ màu mỡ tơi xốp cho đất, phòng trừ một số bệnh hại, nhất là đối với cây cà phê. Ngoài ra, với các loại cây trồng khác như hồ tiêu, cây lấy củ, rau màu... loại phân này cũng rất phù hợp để sử dụng.
Điều đặc biệt là việc tự sản xuất phân vi sinh góp phần lớn vào giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
![]() |
Phân vi sinh từ vỏ cà phê giúp tăng nguồn thu nhập cho các thành viên
Bảo đảm chất lượng
Theo Ban quản trị HTX, vỏ cà phê có thể kết hợp đa dạng với các loại nguyên liệu khác, như: phân chuồng, lá cây, rác… để ủ, nhằm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây trồng. Đây cũng là nguồn phân bón dồi dào cho 70ha cà phê của HTX.
Để bảo đảm đủ lượng phân vi sinh cho sản xuất và bán ra thị trường, HTX đã tiến hành thu mua hàng nghìn tấn vỏ cà phê từ nhiều xã khác nhau thải ra, tránh lãng phí và giải quyết vấn đề môi trường sinh thái bị ảnh hưởng.
Hiện phân vi sinh được HTX bán ra với giá 1.000 đồng/kg, giúp tăng nguồn thu nhập cho các thành viên. Đồng thời, phân vi sinh giúp người sử dụng an toàn trong quá trình bón phân cho cây trồng.
Thực hiện sản xuất sạch, HTX đã đầu tư cơ sở vật chất gồm: nhà máy sơ chế biến, hệ thống rang xay cà phê bột, đóng gói và hệ thống xe để vận chuyển, chuyên trở.
Nhờ sự giúp đỡ của UBND xã Hướng Phùng, HTX đã tổ chức cho các thành viên tham quan mô hình sản xuất cà phê tại HTX Đoàn kết và HTX Tiêu Cừa, huyện Cam Lộ, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn kiến thức để áp dụng hiệu quả vào quá trình sản xuất.
Ban quản trị HTX đã thảo luận và xây dựng phương pháp kinh doanh, cùng nhau thực hiện các dịch vụ đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, vận chuyển, thống nhất cùng chung một quy trình chăm sóc và sản xuất theo hướng bền vững, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường (giá bán, tỷ lệ chín khi thu hái…).
Nhờ thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật, HTX đã xây dựng thành công chuỗi giá trị cà phê Arabica, mang đặc trưng riêng, có nhãn hiệu vùng miền, địa chỉ truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Sản phẩm của HTX được đánh giá cao về chất lượng vì đảm bảo yếu tố “sạch”.
Là mô hình kiểu mới trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, nhưng đóng góp của HTX đã giúp các thành viên và nông dân sản xuất ổn định, tạo động lực để họ vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương.
Như Yến