Đáng nói chỉ trong 5 năm triển khai tại 5 tỉnh Tây Nguyên, dự án VnSAT do Ngân hàng Thế giới (WB) b trợ đã hỗ trợ thành lập, củng cố 142 HTX và tổ hợp tác sản xuất cà phê, đào tạo 45.000 lượt nông dân và hỗ trợ tái canh hơn 16.000 ha cà phê, đặc biệt chú trọng đến sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm việc sử dụng nước tưới có hiệu quả.
Hệ thống tưới tiết kiệm đã giúp giảm chi phí đầu vào 10 - 18 triệu đồng/ha/năm (Ảnh: TL) |
Nhân rộng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm
“Thủ phủ cà phê” Đăk Lăk có nhiều HTX và tổ hợp tác được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của Dự án VnSAT. Tại HTX Quyết Tiến (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar), hàng chục hộ thành viên được hưởng gói hỗ trợ nhân rộng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây cà phê được bàn giao và đưa vào sử dụng.
Theo đó, các hộ dân lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tại gốc được Dự án VnSAT hỗ trợ 50% kinh phí và các hộ nông dân tự bỏ ra 50% chi phí. Qua kiểm tra đánh giá cho thấy, hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc hoạt động khá hiệu quả, lượng nước tưới tiết kiệm hơn 70% so với phương pháp tưới truyền thống và đồng đều cho từng gốc. Ngoài ra, còn tiết kiệm điện năng, có thể châm phân trực tiếp tới bộ rễ, nước thấm từ từ, cải tạo môi trường mát mẻ cho cây cà phê.
Chủ tịch HĐQT HTX Quyết Tiến Trương Hoàng Trung chia sẻ, các hệ thống tưới tiết kiệm đã giúp giảm chi phí đầu vào 10 - 18 triệu đồng/ha/năm. Đồng thời tối ưu hóa nước tưới, còn gia tăng năng suất khoảng 0,5 tấn cà phê nhân/ha vườn cà phê. Bên cạnh lợi ích kinh tế, tưới nước tiết kiệm góp phần bảo vệ môi trường, ổn định sản xuất cây có tưới.
Theo thống kê khảo sát, các mô hình áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm so với tưới theo truyền thống đã giảm lượng nước tưới (600 - 1.150 lít/gốc/năm, tương ứng 25 - 47,9%). Việc bón phân cho cà phê qua hệ thống tưới nước tiết kiệm cũng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, vì vậy tiết kiệm lượng phân bón sử dụng (giảm 20 - 26% lượng phân nguyên chất) đồng thời duy trì và cải thiện độ phì đất.
Hướng tới sản xuất bền vững
Trước tình trạng khô hạn kéo dài, HTX Công bằng Ea Kmat Hòa Đông (huyện Krông Pắk, tỉnh Đăk Lăk) đã chủ động làm việc với Ban quản lý dự án VnSAT, Sở NN&PTNT, UBND huyện và các đơn vị liên quan tìm giải pháp đầu tư công trình cấp nước và dự trữ nước cho diện tích cây cà phê của HTX từ nguồn vốn vay WB.
Sản xuất cả phê bền vững giúp người trồng thu lợi nhuận ròng tăng 11,7% (Ảnh: TL) |
Theo Ban giám đốc HTX, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và màng phủ bảo vệ giúp việc chăm sóc cà phê của các thành viên đỡ mất công hơn rất nhiều. So với tưới bằng ống xả nước vào từng gốc cây như cách làm truyền thống, giờ đây thành viên chỉ mất vài phút để vận hành hệ thống và chỉ cần tưới 2 lần/tuần, mỗi lần 5 - 6 giờ (tương đương 12 lít nước/gốc).
Việc đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm còn có thể kết hợp bón phân, giúp HTX tiết kiệm được khoảng 50% lượng nước, tăng hiệu quả sử dụng phân bón và giảm công lao động.
Với cách làm này, những năm gần đây, HTX không phải quá lo lắng khi vào mùa khô hạn. Diện tích cà phê luôn giữ được độ ẩm nên phát triển xanh tốt, bảo đảm đạt các nguyên tắc trồng cà phê FLO (thương mại công bằng quốc tế). Đặc biệt, vườn cà phê của các hộ thành viên còn được trồng xen nhiều loại cây khác như bơ, sầu riêng, muồng đen… để che bóng, chắn gió, giữ độ ẩm và tăng thêm thu nhập.
Theo tính toán, các hộ sản xuất cà phê chỉ cần tưới 3 - 4 lần/mùa khô, với lượng nước 520 lít/cây/lần tưới là đảm bảo cho cây cà phê sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, kết quả đều tra của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho thấy có trên 50% số hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên hiện tưới thừa nhiều nước (từ 550 - 950 lít/lần tưới).
Chính vì vậy, thời gian qua, Dự án VnSAT đã phối hợp với WASI hỗ trợ nhân rộng lắp đặt công nghệ tưới tiết kiệm dành cho các hộ nông dân trong các HTX, tổ hợp tác trồng cà phê tại Tây Nguyên.
Năm 2020, Dự án VnSAT sẽ kết thúc giai đoạn 1. Đoàn khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, sự hỗ trợ của dự án đã giúp 30.000ha cà phê được thực hiện canh tác bền vững, lợi nhuận ròng cho nông dân trồng cà phê tăng 11,7%.
Các chuyên gia của WB khuyến nghị, trong thời gian tới cần lưu chuyển, tăng thêm dòng vốn tín dụng cho tái canh cà phê ở Tây Nguyên; tiếp tục củng cố, tăng cường năng lực cho các HTX trồng cà phê đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp. Đồng thời, cần nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm và ứng dụng tự động hóa trong tưới cà phê.
Đức Nguyễn