HTX thành công kép với hồng và cà phê |
Hiệu quả vượt trội trong sản xuất
HTX Trường Gia Phát được thành lập từ tháng 10/2017, với 40 hộ gia đình thành viên, tổ chức canh tác trên tổng diện tích hơn 60 ha thuộc các thôn Trạm Hành, Trường Thọ, Phát Chi (xã Trạm Hành) và Đất Làng, Trường Sơn (xã Xuân Trường).
Anh Lê Văn Chung – Giám đốc HTX, cho biết: “Trên 80% diện tích của thành viên HTX triển khai trồng cà phê Arabica xen canh cây hồng ăn trái, mật độ trung bình 20 cây hồng/ha cà phê. Cả hai loại cây đều đang cho thấy hiệu quả vượt trội về kinh tế”.
Đơn cử, với cây cà phê, phần lớn diện tích của HTX đang trong thời kỳ thu hoạch, cây không quá 15 năm tuổi, nên năng suất bình quân trong những năm qua lên đến 4 tấn nhân/ha.
Để có được thành công hiện tại, các hộ thành viên HTX chú trọng tái canh cuốn chiếu cà phê Arabica trồng mới thay thế những cây già cỗi, năng suất thấp, tích cực thâm canh theo hướng khoa học gắn với an toàn lao động (ATLĐ) dựa trên từng địa hình sinh thái.
Cuối năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Cà phê Cầu Đất Đà Lạt”, HTX Trường Gia Phát là một trong 10 đơn vị đầu tiên tại TP Đà Lạt đáp ứng các tiêu chí về chất lượng sản phẩm cà phê Arabica để gắn độc quyền nhãn hiệu này.
Hạch toán trên 1 ha cà phê Arabica, HTX Trường Gia Phát thu hoạch 4 tấn nhân, giá bán 70.000 đồng/kg, doanh thu 280 triệu đồng. Cùng với trồng xen 20 cây hồng ăn trái, năng suất khoảng 4 tấn trái/năm, giá bán 10.000 đồng/kg, doanh thu 40 triệu đồng.
Cộng “doanh thu kép”, mỗi năm thành viên HTX thu về 320 - 350 triệu đồng, trừ hết chi phí vẫn còn thực lãi hơn 200 triệu đồng/ha cà phê Arabica có trồng xen cây hồng ăn trái.
Khoa học – kỹ thuật và ATLĐ là chìa khóa thành công của HTX |
Chú trọng sản xuất an toàn
Không chỉ mang lại những lợi ích lớn về kinh tế, quy trình sản xuất của HTX Trường Gia Phát còn đảm bảo tốt các tiêu chuẩn về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm.
Điển hình như với cây hồng, để thực hành khép kín quy trình sấy khô hồng ăn trái theo công nghệ Nhật Bản, HTX tạo điều kiện để thành viên HTX tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt tổ chức.
Tại các khóa học, thành viên HTX được hướng dẫn thực hành tuần tự quy trình chế biến hồng tươi từ rửa sạch, gọt vỏ, khử chát đến treo trong vòm nhà kính và đóng gói đưa ra thị trường.
Các lớp tập huấn còn đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo nâng cao về sản xuất an toàn, ATLĐ. Theo đó, các học viên được hướng dẫn áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng cách, "nói không" với hóa chất độc hại.
Trong quá trình cơ giới hóa, các thành viên HTX được tập huấn kiến thức vận hành máy móc an toàn, trang bị đầy đủ các đồ bảo hộ ATLĐ như găng tay, ủng, mũ bảo hiểm, khẩu trang chuyên dụng…
“Việc chú trọng sản xuất an toàn giúp HTX xây dựng những giá trị bền vững về kinh tế, đồng thời đảm bảo sức khỏe, ATLĐ cho thành viên, người lao động, từ đó kích thích sự sáng tạo, đam mê trong công việc”, Giám đốc HTX Lê Văn Chung nhấn mạnh.
Quy trình sản xuất khoa học, đảm bảo ATLĐ, vệ sinh thực phẩm giúp cả hai sản phẩm cà phê và hồng sấy khô của HTX có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Sản phẩm của thành viên HTX sau khi thu hoạch được đưa thẳng từ vườn thu hoạch đến nơi chế biến và tiêu thụ, tiết kiệm ít nhất 5% chi phí trên tổng doanh thu.
Nhật Minh