Với tiềm năng, lợi thế phát triển cây dược liệu, Lào Cai được quy hoạch là 1 trong 8 vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu trên cả nước. Hiện Lào Cai phát triển dược liệu với 4 nhóm chính: Nhóm dược liệu trồng làm thuốc; nhóm thảo dược dùng chăm sóc sức khỏe gắn với dịch vụ du lịch; dược liệu thu hái tự nhiên; cây quế và các sản phẩm từ quế.
HTX phát triển cây dược liệu quý và thoát nghèo
Thị xã Sa Pa hiện có 210 ha cây dược liệu, gồm: atiso, sa nhân tím, đương quy, tía tô, chè dây và các loại cây dùng chế biến sản phẩm thuốc tắm người Dao đỏ. Đến nay, với hơn 100 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ nguồn dược liệu tại địa phương, giúp mang lại doanh thu hơn 30 tỷ đồng/năm.
Chị Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc HTX Cộng đồng Dao đỏ xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa có mong muốn làm sao cùng với chị em người dân tộc Dao của xã Tả Phìn, kế thừa và phát huy được những bài thuốc quý của dân tộc mình. Trước khi thành lập HTX, chị Mẩy xót xa trước cảnh những cây dược liệu quý phải mang bán rong, bị ép giá rẻ mạt, không được coi trọng.
![]() |
Các mô hình HTX trồng cây dược liệu đã giúp cho nhiều hộ dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo. |
Từ khi thành lập HTX, vùng nguyên liệu của HTX được mở rộng tại hai xã Tả Phìn và xã Ngũ Chỉ Sơn, với diện tích trồng và chăm sóc, bảo tồn các loại cây thuốc của người Dao đỏ hơn 115 ha. Tạo việc làm cho 224 hộ liên kết và 120 thành viên là phụ nữ dân tộc Dao và Mông.
“Trước đây, chưa vào HTX, cây thuốc đi hái về cũng chỉ mang bán rong, người mua trả giá rẻ lắm. Bây giờ nhiều hộ dân đã vào HTX rồi, cây thuốc trồng và thu hái về đã có HTX mua hết với giá cao. Nhờ đó, mà cuộc sống của gia đình thành viên cũng đỡ vất vả hơn trước nhiều”, chị Phàn Tả Mẩy cho biết.
Để sản phẩm sản xuất ra được đạt tiêu chuẩn chất lượng, phù hợp với thị hiếu của khách hàng, HTX đặc biệt chú trọng việc nghiên cứu thị trường, nhu cầu của khách…
Hiện nay, ngoài dịch vụ tắm lá thuốc trải nghiệm tại khu dịch vụ, HTX đã sản xuất nhiều sản phẩm như: Nước tắm trẻ em, nước tắm phụ nữ sau sinh, nước tắm Dao đỏ cho mọi lứa tuổi, nước ngâm chân, túi lọc ngâm chân khô, tinh dầu chù dù, tinh dầu ngải cứu, cao xoa bóp ngải cứu, gối thổ cẩm thảo dược, xà phòng thảo dược, dầu gội thảo dược Dao đỏ…
Chị Tẩn Mẩy Líu, thành viên HTX chia sẻ: “Từ khi tham gia HTX thì em có công việc ổn định, thu nhập mỗi tháng cũng được 4-5 triệu đồng. Nhờ đó, em và gia đình có tiền trang trải cuộc sống; hơn nữa, làm việc ở đây được tiếp xúc với nhiều du khách em cũng học hỏi được nhiều điều”.
Kết hợp gieo trồng và bảo tồn gen
Huyện Si Ma Cai được biết đến là nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm, độ ẩm cao phù hợp để trồng nhiều loại dược liệu quý. Bên cạnh cát cánh – loại dược liệu có diện tích trồng trên 16,5 ha tại xã Lùng Thẩn, người dân còn tham gia trồng nhiều loại dược liệu khác như đương quy, tam thất…
Gia đình anh Thào A Sì có vườn tam thất với diện tích hơn 3ha cho biết trong vụ mùa vừa qua gia đình anh thu hoạch tới hơn 9 tấn củ tam thất tươi và 6 tạ hoa. Trong đó giá củ tam thất tươi là 700.000 đồng/kg và giá hoa tam thất là 500.000 đồng/kg cho thu về gần 7 tỷ đồng, từ là hộ nghèo giờ gia đình anh đã trở thành khá giả nhờ vào cây dược liệu.
Không chỉ có củ mà hoa tam thất trồng ở Si Ma Cai đều được người tiêu dùng ưa chuộng tuy nhiên lượng sản phẩm lại không đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, đồng bào ở các xã vùng cao của Si Ma Cai còn chuyển đổi đất ruộng, nương đồi sang trồng cây đương quy cho thu nhập cao gấp từ ba đến năm lần so với trồng ngô, lúa truyền thống.
Anh Hoàng Seo Chẩn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bản Mế, thị trấn Si Ma Cai cho biết: HTX được thành lập từ năm 2017, trong suốt những năm qua, HTX đã cung cấp cho người dân 40 vạn cây quế giống và hàng chục vạn cây giống chất lượng cao khác như sưa đỏ, trẩu… Ngoài việc cung ứng cây giống, HTX trên địa bàn xã Bản Mế còn vận động bà con tham gia trồng dược liệu thoát nghèo.
![]() |
Nhiều HTX đã và đang đem lại lợi ích kép cho người dân, vừa khai thác dược liệu, vừa phát triển du lịch nông nghiệp. |
Hoạt động đầy tính khoa học giúp HTX Bản Mế liên tục duy trì đà tăng trưởng nhanh, vững vàng. Hiện, HTX đang thu hút, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động chính thức, mức thu nhập bình quân 7 – 10 triệu đồng/người/tháng, hơn 40 lao động thời vụ, đa số là thanh niên và phụ nữ người dân tộc thiểu số trong vùng, với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Tạo sinh kế bền vững
Cây dược liệu là một trong 5 cây trồng chủ lực của tỉnh Lào Cai theo Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa. Hiện các vùng trồng cây dược liệu đang tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Tỉnh có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp dược như: ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 850 loài cây thuốc, trong đó có 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn. Đặc biệt, Lào Cai có nhiều loài quý, hiếm có giá trị y dược rất cao như sâm Hoàng Liên, bình vôi, tam thất, chè dây, giảo cổ lam, thất diệp nhất chi hoa, đỗ trọng… là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược.
Đến nay, tổng diện tích cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh đạt hơn 3.550 ha, trong đó có 210 ha với 13 loại cây dược liệu trồng được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP; giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt 120 - 150 triệu đồng/ha.
Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2025, diện tích dược liệu đạt 4.000 ha, sản lượng đạt 25.000 tấn, giá trị đạt 700 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 5.000 ha, sản lượng đạt 28.000 tấn, giá trị trên 900 tỷ đồng.
Phát triển tối thiểu 2 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu. Xây dựng thương hiệu 2 - 3 sản phẩm dược liệu và có thêm 3 - 5 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Hình thành 5 nhóm sản phẩm dược liệu gắn với du lịch; hình thành ít nhất 5 điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên.
“Thực tế cho thấy, Lào Cai có lợi thế, tiềm năng lớn về cây dược liệu, là nguồn cung ứng dồi dào, bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho các cơ sở chế biến thuốc và dược liệu của cả nước. Các HTX đã và đang đem lại lợi ích kép cho người dân, vừa khai thác dược liệu, vừa phát triển du lịch nông nghiệp, giúp tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, cải thiện, nâng cao đời sống cho các hộ dân nơi đây”, bà Giàng Thị Dung cho hay.
Hoàng Hằng