Theo thống kê của UBND xã Quảng Phú Cầu, hiện tại, nghề tăm hương thu hút gần 70% người dân, cung cấp thu nhập cao, ổn định cho hơn 3.000/3.500 hộ dân trên địa bàn xã Quảng Phú Cầu.
Sản phẩm tăm hương của làng nghề có thị trường ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước và xuất khẩu đến nhiều quốc gia như: Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia… Vào lúc cao điểm, mỗi ngày làng nghề xuất ra thị trường 60 - 75 tấn sản phẩm.
Càng phát triển càng ô nhiễm
Ông Nguyễn Hữu Nhuận - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, cho biết: "Toàn xã có trên 3.500 hộ dân. Nhờ có nghề tăm hương, đời sống kinh tế, xã hội của người dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao. Quảng Phú Cầu là một trong những xã có thu nhập cao nhất trong huyện. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ khoảng 4% theo tiêu chí mới".
Theo người dân trong làng, nghề tăm hương thực sự phát đạt trong khoảng 5 - 7 năm trở lại đây. Hiện tại, trong xã có gần 100 hộ đầu tư máy móc sản xuất tăm hương xuất khẩu, 20 hộ có xe tải chuyên chở, cung cấp nguyên liệu vào miền Nam. Mỗi ngày xã tiêu thụ gần 200 tấn vầu từ Lạng Sơn, Thái Nguyên, Thanh Hóa…
![]() |
Tăm hương tràn ra đường cũng gây mất an toàn giao thông
"Nghề tăm hương cho lợi nhuận cao. Nếu chịu đầu tư, tính toán tốt thì doanh thu 500 triệu/năm là bình thường. Nhưng cũng nhiều rủi ro, không cẩn thận là hỏa hoạn như chơi", anh Nguyễn Văn Vĩnh, một chủ xưởng sản xuất tăm hương cho biết.
Nghề tăm hương cũng tạo việc làm cho hàng ngàn lao động với thu nhập ổn định. Chị Vũ Thị Thủy, một công nhân chia sẻ: "Nghề này không nặng nhọc, chỉ bụi bặm. Thu nhập không quá cao, nhưng ổn định, từ 3 - 5 triệu đồng/1 tháng. Vào thời gian cao điểm công sẽ cao hơn".
Gian nan tìm lối thoát
Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển về kinh tế là những thách thức về ô nhiễm môi trường. Một thực trạng dễ thấy là hầu hết các xưởng, các hộ sản xuất manh mún, lạc hậu, mạnh ai người ấy làm, không có khoa học, không có nguyên tắc, không có hệ thống xử lý chất thải.
Công đoạn ngâm vầu, tre, nứa, tẩm màu, hóa chất (tẩy trắng, chống nấm mốc…) của người làm nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước tự nhiên (ao, hồ, kênh, mương) và góp phần "bức tử" sông Nhuệ. Khối lượng mùn vầu, tre, nứa chất đống, xả ra môi trường, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn đang ở mức đáng báo động.
Thực tế, để đối phó với vấn đề ô nhiễm môi trường, UBND xã Quảng Phú Cầu đã xây dựng dự án nước sạch giai đoạn 2000 - 2010. Năm 2009, trạm xử lý nước ngầm đầu mối thôn Phú Lương Hạ đã hoàn thành. Sau khi làm điểm thành công tại thôn Phú Lương Hạ, nhân dân các thôn Cầu Bầu, Đạo Tú, Xà Cầu cũng chung tay xây dựng trạm xử lý nước sạch. Tuy nhiên, sự khó khăn về kinh phí, cách thức xử lý kém khiến tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện nhiều.
Ông Nguyễn Hữu Nhuận cho biết: "3 năm trở lại đây, gần 50 hộ đã có lò sấy nguyên liệu, nên khối lượng mùn giảm. Nhưng giảm mùn thì lượng thải từ các lò sấy thủ công lại tăng lên, khiến tình trạng ô nhiễm vẫn không thể giải quyết. Rủi ro cháy nổ cũng rất cao khi vận hành loại lò này".
Được biết, công nghệ hơi nước sẽ không gây ô nhiễm, nhưng chi phí quá cao. Để đầu tư xây dựng lò sấy hơi nước gồm máy móc, nhà xưởng, vật liệu… tốn tới hơn 400 triệu đồng, trong khi lò sấy thủ công chỉ khoảng 100 triệu đồng nên hiện nay trên địa bàn xã Quảng Phú Cầu chỉ có duy nhất 1 lò sấy hơi nước.
Văn Hiến