Theo ông Lê Xuân Thành - Phó Chủ tịch UBND xã An Tường: “Nghề mộc truyền thống của địa phương đang phát triển mạnh, thúc đẩy kinh tế của người dân. Năm 2014, tổng giá trị thu nhập toàn xã An Tường đạt trên 295 tỷ đồng. Trong đó riêng ngành nghề TTCN (chủ yếu là nghề mộc) đạt trên 108 tỷ đồng, chiếm 36,6% tổng giá trị”.
Giải “bài toán” việc làm
“Thu nhập bình quân đầu người toàn xã hiện đạt 30,1 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 3 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2014. Tỷ lệ hộ gia đình có mức sống khá, giàu chiếm trên 70%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới tính đến đầu năm 2015 chỉ còn 3,28%, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước”, ông Thành cho biết thêm.
Hiện tại, nghề mộc mỹ nghệ đã tạo việc làm cho hơn 2.300 lao động thường xuyên và hàng trăm lao động thời vụ trong và ngoài địa bàn xã, với mức thu nhập ổn định từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Các cơ sở sản xuất có quy mô, đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại có mức doanh thu cao lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.
Anh Đinh Văn Hoàng - chủ cơ sở mộc Hoàng Phương, chia sẻ: “Nghề mộc quả thật đã thay đổi hoàn toàn kinh tế của người dân xã tôi. Như xưởng mộc của tôi, tuy chỉ là xưởng trung bình trong xã nhưng mỗi năm thu lãi trên dưới 100 triệu đồng. Luôn có 5 công nhân cố định (chưa kể công nhân thời vụ) với mức lương từ 3 - 4 triệu/tháng”.
Những thành công này là kết quả của việc chính quyền và người dân An Tường đã kịp thời thay đổi và thích ứng tốt trước những biến động của kinh tế thị trường.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, chính quyền xã đã vận động người dân tiếp tục đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chủ động tìm kiếm khách hàng, đẩy mạnh công tác giới thiệu quảng bá thương hiệu làng nghề mộc truyền thống.
![]() |
Người dân An Tường đang rất cần khắc phục tình trạng ô nhiễm
Ô nhiễm vì…đất chật, người đông
Theo thống kê, xã An Tường có trên 850 hộ gia đình sản xuất, gia công và chế biến gỗ, tập trung ở hai thôn Bích Chu và Thủ Độ. Mật độ người làm nghề quá đông, trong khi diện tích sản xuất hẹp khiến các cơ sở làm mộc phải tận dụng mọi không gian sinh hoạt để sản xuất, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo quan sát của phóng viên, tại hai thôn Bích Chu và Thủ Độ, các xưởng mộc thủ công mọc lên san sát. Việc bao chắn qua loa khiến bụi gỗ, mùn cưa, phoi bào bay khắp nơi từ trong nhà đến ngoài cổng, phủ trắng cây xanh, tràn xuống cống rãnh thoát nước. Tiếng máy cưa, cắt, đục, đẽo ầm ĩ gây ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng.
Để khắc phục, giảm tình trạng ô nhiễm làng nghề, xã An Tường đã thành lập đội công tác vệ sinh môi trường với 21 công nhân vệ sinh, nhiều hơn so với các địa phương khác, nhưng vẫn không thể kiểm soát được tình hình.
Chính quyền xã cũng áp dụng nhiều biện pháp như: hỗ trợ máy hút bụi, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, xây hầm bioga… nhưng cũng chỉ là biện pháp tạm thời, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng hơn.
Phó Chủ tịch xã, ông Lê Xuân Thành, chia sẻ: “Vì số dân làm nghề tăng nhanh, diện tích sản xuất lại chật hẹp, trong khi khu xử lý nước thải chưa có, hệ thống cống, kênh, mương thoát nước xuống cấp khiến tình trạng ô nhiễm gia tăng, khó kiểm soát”.
“Người dân và chính quyền địa phương đang rất cần sự quan tâm, đầu tư của các cơ quan quản lý cấp trên, sớm có quy hoạch đưa làng nghề vào sản xuất tập trung. Đồng thời, hỗ trợ địa phương xây dựng các công trình xử lý chất thải, khắc phục ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất”, ông Thành nói.
Văn Hiến