Các công đoạn chế tác đá hầu hết đã được cơ giới hóa |
Nghề chế tác đá ở vùng năm ngọn núi này được hình thành vào thế kỷ XVIII, do một nghệ nhân có tên là Huỳnh Bá Quát mang nghề từ Thanh Hóa vào.
Thương hiệu lớn
Ban đầu, những người thợ đá bấy giờ chỉ khai thác đá tại chỗ dùng trong xây dựng và tạo ra một số dụng cụ lao động đơn giản, như: Cối xay, cối giã, đá buộc neo thuyền, đá buộc chài dụ cá… Sau đó, phát triển thêm các sản phẩm điêu khắc bia mộ, chế tác các tác phẩm nghệ thuật trang trí tại các miếu thờ, lăng tẩm, cung đình… cho tới những sản phẩm nghệ thuật trang trí có giá trị mỹ thuật cao.
Ngày trước, một người thợ giỏi trong làng là ông Huỳnh Bá Triêm đã từng ra kinh đô Huế trang trí các lăng tẩm, cung đình. Ông đã học được cách làm bộ ấm chén trà bằng đá cẩm thạch đỏ - sản phẩm được xem là độc đáo, tinh xảo nhất của nghề đá mỹ nghệ Non Nước hồi đó.
Thời chống Mỹ, gia đình ông Huỳnh Phước Thảo đã bí mật tổ chức cưa, xẻ, vận chuyển gần 200 phiến đá trắng, đỏ, cẩm thạch quý hiếm đưa ra xây Lăng Hồ Chủ tịch. Màu đỏ của cờ đỏ sao vàng ghép bằng đá trang trí trên lăng đến nay vẫn còn thắm tươi niềm tự hào của người làng đá Non Nước.
Sau ngày thống nhất đất nước, những người làm nghề điêu khắc đá tập hợp lại thành lập HTX Đá mỹ nghệ Non Nước, hoạt động trong suốt thập niên 80 thế kỷ trước. HTX lúc đó chỉ có 130 xã viên; trong đó thợ điêu khắc có 35 người, còn hầu hết là lao động phổ thông. Nguyên liệu được khai thác tại chỗ, sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống. Sản phẩm mỹ nghệ lúc đó có kích thước nhỏ gọn, nghệ thuật điêu khắc độc đáo, nhưng số lượng chưa nhiều, chủ yếu là hàng gia dụng và vật lưu niệm phục vụ cho du khách trong nước và quốc tế mỗi khi tới Đà Nẵng.
Đến nay, theo ông Huỳnh Chín - Trưởng ban Quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, làng nghề hiện có 497 cơ sở sản xuất với trên 3.000 lao động, mỗi năm sản xuất ra khối lượng sản phẩm trị giá 120 tỷ đồng, chiếm gần 15% giá trị sản xuất của các ngành kinh tế do quận Ngũ Hành Sơn quản lý. Đã có gần 20 hộ thành lập website riêng để giới thiệu sản phẩm, góp phần đưa “Đá mỹ nghệ Non Nước” trở thành một thương hiệu lớn, được xuất khẩu ra thế giới.
Kinh tế và bản sắc văn hóa
Ban đầu, các vị tiền hiền khai sáng làng nghề còn dùng cái vồ, như vồ ép dầu - nghề đá gọi là cái cui - làm bằng gỗ đồi mồi để đập đá. Còn bây giờ, thời buổi KH-KT hiện đại, tất cả các hộ đều sử dụng các loại máy cầm tay, năng suất lao động cứ thế mà vụt tăng. Nhiều công đoạn, kỹ thuật chế tác ngày trước thủ công gần như không làm được, thì giờ đây với trợ thủ đắc lực là máy cơ giới, tất cả đều được giải quyết.
Tuy nhiên, hệ quả tất yếu từ sự phát triển nhanh của làng nghề là vấn nạn ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước uống do các hộ đều dùng a-xít để tẩy rửa và tạo độ bóng cho đá. Ngoài ra, việc chế tác bằng máy móc cơ giới luôn tiềm ẩn nguy cơ TNLĐ và bụi đá và tiếng ồn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân.
Trước thực trạng này, quận Ngũ Hành Sơn đã lập di dời toàn bộ làng nghề tập trung tại tổ 17 khu vực Đông Trà, phường Hòa Hải, với quy mô 35,5ha. Theo ông Chín, các cơ sở sản xuất lần lượt chuyển vào khu quy hoạch làng nghề mới, với yêu cầu phải bảo đảm không ô nhiễm môi trường, nhà xưởng xây dựng phải che chắn được bụi, nước thải phải được xử lý.
Đặc biệt, cơ quan chức năng của quận cũng như Ban quản lý làng nghề đã tăng cường, quan tâm tuyên truyền về công tác ATVSLĐ, nâng cao ý thức của người thợ làng nghề, để nghề đá vừa mang ý nghĩa kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đồng thời cũng có ý nghĩa về đời sống tinh thần, phản ánh bản sắc văn hóa truyền thống địa phương.
Gia Lộc