Ông Đào Mạnh Lĩnh - Trưởng thôn Thiết Úng, cho biết: “Cả xã có 5 thôn với gần 2.600 hộ dân. 80% người dân làm nghề mộc, hơn 1.000 hộ dân trực tiếp mở xưởng sản xuất gỗ. Trong đó, thôn Thiết Úng có truyền thống lâu đời và phát triển hơn cả, với trên 90% dân số làm nghề mộc. Hiện tại, thôn có 9 nghệ nhân được Nhà nước công nhận”.
![]() |
Bụi gỗ trở thành vấn đề nan giải ở Vân Hà
Duy trì sức sống làng nghề
Các nghệ nhân trong làng cho biết, nghề mộc ở đây đã có truyền thống hơn 400 năm, từ thời cụ tổ nghề Phó Sần. Trải qua nhiều năm phát triển, đến năm 2010, làng nghề được công nhận là “Làng nghề truyền thống”. Từ đó đến nay, làng nghề ngày càng phát triển nhanh, mạnh cả về năng suất và chất lượng sản phẩm.
“Sự cạnh tranh không chỉ xảy ra trên thị trường với các làng nghề gỗ khác, mà còn xuất hiện giữa các xưởng gỗ trong làng. Sự cạnh tranh giúp cho chất lượng, mẫu mã đồ gỗ trong làng ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Từ đó, thị trường ngày càng mở rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền, chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Chiến - Chủ tịch UBND xã Vân Hà, cho biết: “Nghề mộc mỹ nghệ, điêu khắc gỗ là nguồn lực kinh tế chủ yếu không chỉ của làng nghề Thiết Úng, mà còn là của cả xã Vân Hà. Hiện tại, kinh tế các hộ gia đình trong toàn xã bình quân luôn đạt trên 40 triệu đồng/năm. Các hộ thu nhập cao từ 70 - 100 triệu đồng lên đến hàng chục hộ”.
Dưới sức ép của cạnh tranh thị trường, làng mộc Thiết Úng vẫn giữ gìn được nét đẹp truyền thống của làng nghề. Vì vậy, Thiết Úng trở thành trọng điểm phát triển “du lịch làng nghề” của Hà Nội. “Sở Du lịch Hà Nội đang rất quan tâm đến vấn đề phát triển du lịch làng nghề tại Thiết Úng. Sau khi khảo sát, Sở đã hình thành tuyến du lịch làng nghề gồm Thiết Úng và 3 làng nghề khác”, ông Lĩnh cho hay.
Vẫn nan giải ô nhiễm môi trường
Khó khăn lớn nhất hiện tại của làng là thiếu diện tích sản xuất, công nghệ lạc hậu, hệ thống xử lý chất thải yếu đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các hộ sản xuất đang chú trọng nhiều hơn đến lợi nhuận mà thờ ơ với sức khỏe của chính gia đình và của những người xung quanh.
Chủ tịch xã, ông Nguyễn Đình Chiến, thừa nhận: “Là động lực chính của kinh tế địa phương, nhưng những hậu quả từ ô nhiễm môi trường do sản xuất đồ gỗ gây ra là rất lớn. Dù đã có những dự án nhằm khắc phục tình trạng này, nhưng vì lượng chất thải, bụi từ sản xuất quá lớn khiến những dự án không đáp ứng kịp”.
Bụi gỗ và sơn phun là nỗi “ám ảnh” lớn nhất của người dân Thiết Úng. Không chỉ làm ô nhiễm không khí, gây khó thở, bụi bặm nhà cửa… mà còn gây ô nhiễm nguồn nước. “Nhà nào ở gần xưởng mộc thì đóng cửa kín mít cả ngày, ngày lau nhà, lau bàn ghế 3 - 4 lần vẫn thấy bụi bám”, chị Loan, người dân Thiết Úng, chia sẻ.
Được biết, năm 2012, Sở TN&MT Hà Nội có lắp thí điểm một máy hút bụi gỗ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhưng chỉ như “muối bỏ bể” với số lượng bụi thải ra ở Thiết Úng. Sở Công Thương Hà Nội cũng đã đưa xã Vân Hà (trong đó có Thiết Úng) vào mục tiêu triển khai thử nghiệm mô hình xử lý bụi tại các làng nghề mộc giải đoạn 2015 - 2020.
Tuy nhiên, khi những dự án cũ không phát huy hiệu quả, dự án mới vẫn ở trên giấy tờ, người dân làng Thiết Úng nói riêng và xã Vân Hà nói chung vẫn phải tự giải quyết vấn đề. “Các xưởng sản xuất tự giác quây bạt kín để hạn chế lượng bụi bay ra môi trường, không đổ chất thải, phoi bào, ra kênh mương, thường xuyên tổ chức quét rọn, thu gom rác, nạo vét kênh mương…”, ông Đào Mạnh Lĩnh nói.
Văn Hiến