Theo thống kê của UBND xã Thái Yên, việc sử dụng sơn bằng bình máy có thể gây ảnh hưởng những hộ dân khác trong vòng bán kính 300m. Loại sơn được các hộ gia đình sử dụng phổ biến là sơn PU, véc ni có chứa chất gây độc hại rất cao, thường gây ra các bệnh như hen suyễn, viêm đường hô hấp, dị ứng da và về lâu dài có thể gây ra các bệnh ung thư.
Nguy cơ thành làng ung thư
Khảo sát tại làng nghề Thái Yên, cho thấy môi trường sống của người dân đang bị “đầu độc”. Diện tích sản xuất chật hẹp, các xưởng mộc ken dày trong khu dân cư đông đúc, không gian sinh hoạt cũng là nơi sản xuất với các hoạt động cưa, xẻ, đục, đẽo gỗ, phun sơn, tập kết nguyên liệu, giao hàng… diễn ra liên tục. Chất thải xả trực tiếp ra vườn nhà, xuống ao, hồ, kênh, mương… gây ô nhiễm nghiêm trọng.
“Nếu ở gần xưởng mộc, người dân đều có cảm giác tức ngực, khó thở, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ nên nhiều lúc ở trong nhà cũng phải lấy tay che mũi, bịt miệng. Tiếng ồn từ máy cưa phát ra khiến bọn trẻ không thể tập trung học hành”, một người dân Thái Yên, bức xúc nói.
Ghi nhận từ Trạm Y tế xã Thái Yên, cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh ung thư và các bệnh lạ trên địa bàn tăng cao đột biến. Chưa có kết luận kiểm tra, nhưng nhiều người dân đều cho rằng, ô nhiễm môi trường là nguyên nhân của tình trạng này. Ông Trần Văn Hiền - Trạm trưởng Trạm Y tế xã, cho biết: “Năm nào ở địa phương cũng có cả chục người chết vì bệnh ung thư. Nhiều nhất vẫn các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp”.
Con số thống kê của Trạm Y tế xã Thái Yên về số người tử vong gần đây đang cảnh báo về thực trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động này. Từ năm 2012 đến nay, tại làng mộc Thái Yên có 40 trường hợp chết do bệnh ung thư, số bệnh nhân tử vong nhiều nhất thường mắc các chứng bệnh ung thư gan, ung thư phổi.
![]() |
Thái Yên đang bị “đầu độc” bởi bụi gỗ, sơn, hóa chất từ các xưởng mộc
Nan giải “bài toán” ô nhiễm
Anh Hoàng Văn Thoan - chủ một xưởng mộc tại Thái Yên, chia sẻ: “Nhà tôi làm mộc được hơn 20 năm rồi, đời bố tôi rồi đến tôi. Công việc này cho thu nhập khá nhưng vất vả. Làm việc bất kể ngày đêm, có khách đặt hàng là phải hoàn thành đúng thời hạn. Cái nghề cũng là cái nghiệp, biết là ô nhiễm, bụi bặm nhưng vẫn phải làm thôi”.
Theo quan sát, xưởng mộc của anh Thoan có khoảng 10 công nhân, làm việc trong điều kiện ô nhiễm, với các đồ bảo hộ hết sức thô sơ, chỉ có khẩu trang và kính mắt. Bụi gỗ, mùn cưa, phoi bào bay mù mịt, mùi hóa chất, sơn gỗ bốc nồng nặc… gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Chưa kể việc các thợ mộc tay trần, làm việc với những chiếc cưa máy cỡ lớn, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động rất cao.
Ông Nguyễn Viết Báu - Chủ tịch UBND xã Thái Yên, thừa nhận: “Ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề nan giải tại làng nghề. Quy hoạch địa điểm phun sơn thì đã có, nhưng để người dân đưa sản phẩm ra khu vực tập trung là rất khó, do việc vận chuyển các sản phẩm khó khăn. Còn việc xây dựng các nhà xưởng bảo đảm yêu cầu, người dân phải bỏ kính phí lớn, nên rất khó để thực hiện”, ông Báu nói thêm.
Được biết, để xây dựng một cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn quy hoạch người dân phải bỏ ra số tiền trên 1 tỷ đồng. Do vậy, hiện nay người dân vẫn thực hiện phun sơn tại nhà. Nhiều hộ không có không gian nên đã lấn chiếm lòng, lề đường để hoạt động gây ô nhiễm môi trường không chỉ dân làng nghề mà cả khu vực xung quanh vùng.
Nghề mộc đang đem lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều người dân. Tuy nhiên, để phát triển bền vững trong tương lai, chính quyền địa phương và người dân làm nghề tại Thái Yên cần nhanh chóng “giải” bài toán ô nhiễm môi trường, loại bỏ những nguy cơ lớn cho sức khỏe và đời sống của người dân.
Văn Nguyễn