Thấy rõ lợi thế và giá trị từ cây ăn quả đem lại, từ cuối năm 2015 đến nay, huyện Tân Yên đã xác định cây ăn quả có vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu của địa phương.
Khai thác tốt tiềm năng
Cũng như nhiều hộ nông dân ở Tân Yên, trước kia, gia đình chị Nguyễn Thị Lan Quỳnh, xã Phúc Hòa, có hơn 1,3 mẫu ruộng chủ yếu cấy lúa và trồng màu đem lại hiệu quả kinh tế không cao.
Ổi lê đang cho thấy tiềm năng phát triển tốt ở Tân Yên (Ảnh TL) |
Năm 2016, gia đình chị Quỳnh đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất ruộng sang trồng ổi lê Đài Loan. Sau hơn 1 năm trồng thử nghiệm, nhờ tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, hiệu quả cây trồng mới được nâng cao rõ rệt.
Theo chị Quỳnh, ổi lê Đài Loan cho quả đều, mẫu mã đẹp, ít sâu bệnh cùi ròn, ngọt hơn không bị nhão, chua so với giống cũ. Quan trọng nhất là ổi bán được giá.
Bình quân mỗi một năm, sản lượng ổi đạt 2 – 2,5 tấn/sào, với giá bán trung bình từ 10 - 20 nghìn đồng/kg, trừ chi phí cũng lãi trên 20 triệu đồng/sào.
Đáng chú ý, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với ổi lê Đài Loan trong 1 năm ít hơn 50 – 70% so với nhiều loại cây ăn quả khác, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái.
Giống như ổi lê, cây vú sữa cũng đang cho thấy lợi ích cao ở Tân Yên. Một trong những mô hình điểm sáng là HTX Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vú sữa Hợp Đức, xã Hợp Đức.
Theo tính toán của HTX Hợp Đức, với năng suất bình quân đạt 10-12 tấn/ha, giá bán 30 - 40 nghìn đồng/kg, người nông dân trồng vú sữa có thể thu về 250 - 300 triệu đồng/ha.
Phát triển bền vững
Đại diện HTX Hợp Đức cho hay, để có được thành công trong thời gian qua, thành viên HTX đã chủ động áp dụng phương thức sản xuất sạch, chú trọng khoa học – kỹ thuật và đặc biệt là bảo vệ môi trường sinh thái.
Các nông hộ trồng cây ở Tân Yên ngày càng quan tâm hơn đến phương thức sản xuất sạch (Ảnh TL) |
Theo đó, trong quá trình sản xuất, HTX chủ động giảm thiểu việc dùng phân bón, thuốc trừ sâu, thậm chí nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, HTX hoàn toàn không sử dụng một loại hóa chất bảo vệ thực vật nào.
Các loại rác thải, bao bì ni lông, chai lọ nhựa, thủy tinh… được HTX tập trung đúng nơi quy định, sau đó bán cho các đơn vị tái chế, hoặc tiêu hủy đúng theo quy định để tránh gây hại cho môi trường.
Để nhân rộng hiệu quả các mô hình, trong 5 năm qua, huyện Tân Yên đã tổ chức quy hoạch một số vùng trồng cây ăn quả chủ lực như nhãn muộn, vải sớm ở các xã Phúc Hòa, Hợp Đức, Cao Thượng, Liên Sơn, An Dương, Đại Hóa; bưởi ở Ngọc Vân, Việt Ngọc, Song Vân, Lam Cốt, An Dương; cam ngọt ở An Dương, Lam Cốt; vú sữa Hợp Đức, Liên Chung, Quế Nham…
Trong thời gian tới, huyện dự kiến tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi chân ruộng cấy lúa không ăn chắc sang trồng cây ăn quả. Hỗ trợ cải tạo giống cây ăn quả và phát triển thêm vùng cây ăn quả tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Hưng Nguyên