Nhờ vận dụng linh hoạt Luật HTX mà nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước được đánh giá đã có chuyển biến tích cực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh được nâng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo hiệu quả.
Phát triển bền vững kinh tế tập thể
Đến nay, toàn tỉnh Bình Phước có 300 HTX, tổng số thành viên là 12.264 thành viên, tổng số lao động thường xuyên trong HTX là 7.270 lao động. Doanh thu bình quân của các HTX đạt 3.670 triệu đồng/năm, lãi bình quân của một HTX là 175 triệu đồng/HTX/năm. Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX là 57 triệu đồng/người, tăng 3 triệu đồng so với đầu năm 2022.
Trong những năm qua, các HTX trong tỉnh hoạt động gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng và đang trở thành phương thức tổ chức sản xuất phổ biến để tăng quy mô, hiệu quả và phát triển bền vững. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng, phát triển các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa (điều, tiêu, rau sạch, bưởi da xanh, sầu riêng, ca cao, bơ sáp, mít ruột đỏ). Nhiều HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
Các HTX nông nghiệp đã từng bước xây dựng được chiến lược sản xuất kinh doanh và liên kết thu mua sản phẩm cho các thành viên theo chuỗi giá trị và cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi như: Siêu thị Coopmart, Bách Hóa Xanh và các công ty như: Công ty chế biến gia vị Nedspice (hồ tiêu), Công ty TNHH MTV A9 (nhãn xuồng Bình Long), Visimex (Điều), Tùng Lâm, Minh Hàng (Sầu riêng)... gắn sản xuất với sơ chế, chế biến và thị trường.
![]() |
HTX Nấm Đông trùng Hạ thảo PN Bình Phước đã mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho người nông dân tại địa phương. |
Thành công của các HTX đã mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho người nông dân tại địa phương. Điển hình là mô hình mới của HTX Nấm Đông trùng Hạ thảo PN Bình Phước tại thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp đã giúp nhiều chị em phụ nữ tại địa phương thoát khỏi cuộc sống nghèo đói.
Chị Nguyễn Thị Tiên, Giám đốc HTX cho biết, HTX có 7 thành viên, là mô hình mới về nuôi cấy đông trùng hạ thảo và các chị em phụ nữ ở địa phương tham gia làm thành viên, lãnh đạo, quản lý. “Sau hơn 8 tháng hoạt động, HTX đã thu về được 300 triệu đồng và đạt lợi nhuận 75 triệu đồng. Đó là nhờ HTX đã đầu tư phòng nuôi cấy đông trùng hạ thảo với các công đoạn cấy giống, nhân giống, tạo giống và nuôi trồng đều được đầu tư, trang bị hệ thống máy tự động để giảm tác động của con người và thời tiết, từ đó cho chất lượng nấm ổn định và đồng đều”, chị Tiên nói.
Theo chị Tiên, HTX đã đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số vào tiêu thụ sản phẩm. Nhất là để minh bạch sản phẩm, mọi quy trình sản xuất, nuôi cấy nấm đều được sử dụng camera ghi lại. Sau đó, HTX đưa dữ liệu lên các sàn thương mại điện tử kết hợp livestream giới thiệu công dụng và hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm… Điều này không chỉ thu hút người xem, mà việc bán hàng cũng thuận lợi hơn.
Hiện, 80% sản phẩm của HTX đang được bán trên các nền tảng công nghệ và kênh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử; 20% còn lại chủ yếu cung ứng cho các đối tác nhà yến trên địa bàn tỉnh để họ sản xuất yến đông trùng hạ thảo. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ ngày càng được rộng mở, tiếp thêm động lực để HTX tiếp tục mở rộng quy mô, xây dựng đội ngũ kinh doanh, marketing phát triển thương hiệu.
Nhiều mô hình hiệu quả
Không chỉ có HTX Nấm Đông trùng Hạ thảo PN, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang mở ra cơ hội thoát nghèo cho các lao động nữ ở địa phương
HTX cây ăn trái Minh Thắng, xã Minh Thắng là một trong những HTX hoạt động khá hiệu quả tại thị xã Chơn Thành, với cây trồng chủ lực là bưởi da xanh. Từ khi thành lập đến nay, HTX luôn có nguồn hàng dồi dào, đạt tiêu chuẩn để cung ứng cho đối tác, đảm bảo việc làm và nguồn thu cho thành viên với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
HTX thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong tạo điều kiện vay vốn đầu tư, phát triển sản xuất. “Sau khi thành lập, các thành viên HTX được tạo điều kiện để vay vốn với tổng khoảng 2 tỷ đồng. Sau 5 năm, chúng tôi đã hoàn trả hết số nợ này”, ông Trần Minh Dũng, thành viên HTX cây ăn trái Minh Thắng cho biết.
Theo đánh giá của lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Bình Phước, mô hình HTX Nấm Đông trùng Hạ thảo PN Bình Phước hay HTX cây ăn trái Minh Thắng đã mang lại lợi nhuận, tạo niềm tin cho thành viên khi tham gia HTX, đặc biệt tạo việc làm cho nhiều lao có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng và phát triển, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Bình Phước rất chú trọng thu hút thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia kinh tế nông nghiệp hữu cơ bền vững. Những mục tiêu cơ bản, then chốt, hướng đến cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, phát triển nền nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường đã được các HTX quan tâm và kết quả bước đầu mang lại rất thiết thực.
![]() |
HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Xanh tuy còn non trẻ nhưng bước đầu đã đạt một số kết quả tích cực, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho thành viên. |
HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Xanh, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng đã thu hút thành công đồng bào dân tộc thiểu số tham gia HTX. Hiện HTX có 250 thành viên, diện tích vườn cây 820 ha và vẫn tiếp tục tăng.
Khi HTX tham gia vào chuỗi liên kết với doanh nghiệp, các thành viên là bà con dân tộc thiểu số được sự hỗ trợ từ khâu chăm sóc đến thu mua, chế biến. Trong đó, sự hỗ trợ nguồn lực về phân bón, kỹ thuật đã giúp cho người trồng tăng năng suất, sản lượng, từng bước cải thiện thu nhập.
Ông Điểu Tân, người dân tộc S’tiêng ở thôn Đăng Lang, cho biết từ khi tham gia HTX đã giúp ông có được sự hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi thu hoạch điều, HTX và doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 1.000-1.500 đồng/kg.
Có thể nói, nhờ có sự tham gia của HTX với nhiều cách làm hay, linh hoạt đã và đang giúp người dân và bà con dân tộc thiểu số ở xã Đắk Nhau giảm nghèo bền vững.
Như chia sẻ của anh Điểu SRức, người dân tộc S’tiêng ở thôn Đắk Úy, tham gia HTX, gia đình anh được hỗ trợ đầu tư cải tạo vườn, xây dựng mô hình xen canh nhiều loại cây trồng để tăng thu nhập. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc nên hơn 1,3 ha vườn trồng điều xen cà phê và tiêu mang lại nguồn thu hơn 150 triệu đồng mỗi năm.
Tạo đà cho kinh tế tập thể phát triển
Xác định rõ tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong việc xoá đói giảm nghèo tại địa phương, thời gian qua, việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể luôn được chính quyền tỉnh Bình Phước chú trọng, trong đó nhiều chính sách được ban hành nhằm khuyến khích hỗ trợ thành lập các HTX nông nghiệp mới trên cơ sở nhu cầu và điều kiện, lợi thế phát triển của từng địa phương, khu vực.
Bình Phước đặt mục tiêu mỗi năm có 30 HTX được thành lập, đồng thời hỗ trợ HTX từng bước thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm…
Để tạo điều kiện cho các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh có cơ hội phát triển, Liên minh HTX tỉnh với vai trò là cầu nối đã kết nối HTX, tổ hợp tác với các công ty, tổ chức hỗ trợ triển khai ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất, nhất là công nghệ về sơ chế, bảo quản, chế biến… Tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm có khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh.
Tăng cường hỗ trợ các HTX đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm về HTX chuyển đổi số phù hợp với bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0. Đẩy mạnh hỗ trợ HTX ứng dụng thương mại điện tử, tham gia chương trình giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn giao dịch điện tử, internet, các ứng dụng bán hàng trực tuyến...
Đồng thời, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn, kiểm tra, hỗ trợ HTX trong thực hiện các hoạt động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhấn mạnh: “Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX phải xây dựng được những mô hình kinh doanh phù hợp thực tiễn và huy động được vốn điều lệ của các thành viên, ví dụ như mô hình dịch vụ đầu ra hay đầu vào, hoặc những mô hình phù hợp điều kiện HTX để phát huy thế mạnh…”
Hoàng Hà