Với mục tiêu trở thành thị xã trước năm 2025, Kim Bảng đang có sự chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tuy nhiên, nông nghiệp vẫn được đánh giá là ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, huyện vẫn luôn dành nhiều nguồn lực để thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Nền tảng từ sản xuất sạch
Điển hình, trong năm 2020, dù đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 có tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống của người dân, ngành nông nghiệp huyện vẫn thực hiện tốt một số mô hình, đề án có hiệu quả, tập trung hơn 337 ha đất canh tác nông sản sạch.
Sản xuất khoa học gắn với an toàn sinh thái là cơ sở để nông nghiệp huyện Kim Bảng chuyển biến tích cực (Ảnh TL). |
Nhờ làm tốt công tác tổ chức sản xuất, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, linh hoạt thích ứng nhu cầu thị trường, giá trị các mặt hàng nông sản của huyện liên tục được nâng lên. Đặc biệt, các sản phẩm được liên kết tiêu thụ tốt tại các HTX, doanh nghiệp và xuất khẩu sang Nhật Bản.
Điển hình, xã Đồng Hóa đang là địa phương có thế mạnh về sản xuất lúa ở Kim Bảng, với tổng diện tích gieo cấy đạt trên 490 ha. Trong đó, mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa với các doanh nghiệp chiếm hơn 90 ha, phát triển tập trung theo chuỗi giá trị.
Để nâng cao hiệu quả, HTX nông nghiệp Đồng Hóa được giao tổ chức sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, phát triển vùng sản xuất an toàn sinh thái, thân thiện môi trường. Đồng thời thực hiện liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho thành viên, người nông dân trên địa bàn.
Với vai trò cầu nối liên kết sản xuất, HTX đứng ra ký kết các hợp đồng sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người dân và tổ chức thu mua toàn bộ sản phẩm thóc tươi ngay sau khi thu hoạch với giá thỏa thuận đầu vụ.
Ngược lại, thành viên HTX và người dân phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong quá trình sản xuất, cam kết chất lượng sản phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Anh Võ Tấn Hoàng, hộ liên kết của HTX Đồng Hóa từ năm 2016, chia sẻ sau khi vào HTX, anh và các hộ trong xã được tập huấn kỹ thuật, nắm vững quy trình sản xuất theo chuẩn hữu cơ, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, đảm bảo tạo ra những sản phẩm mẫu mã đẹp, thơm ngon tự nhiên.
“Kể từ khi vào HTX, sản xuất theo quy trình VietGAP, chúng tôi từ bỏ thói quen lạm dụng hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu, ưu tiên các hợp chất hữu cơ, vi sinh. Qua đó, duy trì năng suất lúa bình quân 6,5 - 7 tấn/ha. Cũng nhờ chất lượng tốt, có HTX hỗ trợ bao tiêu, các hộ không còn lo được mùa, dội chợ”, anh Hoàng cho hay.
Phát huy thế mạnh sẵn có
Nếu ở Đồng Hóa có mô hình lúa hữu cơ thì ở xã Thanh Sơn có mô hình nuôi cá “sông trong ao” đang cho hiệu quả vượt trội cả về kinh tế và môi trường. Theo UBND xã Thanh Sơn, trên địa bàn hiện có 2 HTX kiểu mới phát triển mô hình này là HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn và HTX Hải Đăng.
Kim Bảng đang hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch (Ảnh TL). |
Anh Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc HTX Hải Đăng, cho biết để nâng cao giá trị mô hình, anh cùng các thành viên HTX đã chủ động phát triển sản xuất theo hướng an toàn sinh thái, tạo ra những sản phẩm sạch.
Đơn cử, tại khu vực ao nuôi cá, anh Hiếu cho lắp đặt toàn bộ hệ thống máng cám cho ăn tự động. Chỉ cần bấm nút, cám sẽ được phóng thẳng từng đợt xuống mặt hồ cho cá ăn. Việc này vừa đảm bảo lượng thức ăn đủ cho cá, vừa tránh dư thừa, hạn chế gây ô nhiễm nguồn nước.
Khu vực sau bể nuôi của HTX cũng được lắp đặt hệ thống thu gom toàn bộ phân cá, thức ăn thừa để dồn vào một bể chứa. Chất thải này sau đó được xử lý bằng men vi sinh quay vòng dùng để tưới cho vườn cây ăn quả, qua đó tăng giá trị sử dụng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Kim Bảng, trên nền tảng thế mạnh đang có, với sự đồng hành của địa phương, sự tham gia tích cực của các HTX, doanh nghiệp, huyện đang chủ động phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn sinh thái kết hợp với du lịch.
Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, huyện đã và đang triển khai một số mô hình, dự án điểm như trồng hoa ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch trải nghiệm tại thị trấn Ba Sao; mô hình rau, củ quả sạch vùng đất bồi ven sông Đáy tại xã Thi Sơn, Thanh Sơn; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Thụy Lôi; khu du lịch sinh thái Hồ Ba Hang, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng tới xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa được UNESCO công nhận....
Hơn nữa, với lợi thế có Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc, Sân golf Kim Bảng, sân golf Tượng Lĩnh. Trong thời gian tới, huyện Kim Bảng sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp đô thị gắn với du lịch đảm bảo môi trường và phát triển bền vững trong tương lai.
Hưng Nguyên