Ở vùng rừng núi Tây Giang quanh năm khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao nên tre điền trúc sinh trưởng và cho măng khỏe. Từ các nguồn Chương trình 30a, 135 của Chính phủ, huyện Tây Giang đã cấp giống tre điền trúc hỗ trợ người dân trồng dưới tán rừng để cải thiện sinh kế.
Tạo công ăn việc làm
Tây Giang là nơi có nguồn nguyên liệu măng điền trúc rất dồi dào, nhưng trong thời gian dài không có người thu mua, thị trường đầu ra bế tắc, vì vậy, bà con không còn mặn mà với việc trồng tre.
Trong khi đó, ở các chợ truyền thống, các chợ đầu mối tại Đà Nẵng và Quảng Nam xuất hiện sản phẩm măng rừng sấy song lại không có bao bì, nhãn mác, xuất xứ, thời hạn sử dụng hay dấu hiệu nhận diện sản phẩm… khiến người tiêu dùng lo ngại về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sơ chế măng điền trúc (Ảnh: TL) |
Trước thực trạng này, từ năm 2018 đến nay, HTX Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang đã mạnh dạn mở thêm mô hình thu mua, chế biến các sản phẩm từ măng tươi điền trúc của đồng bào Cơ Tu.
Theo đó, măng được bóc vỏ, loại bỏ phần gốc già, rửa sạch, đưa vào máy xắt nhỏ, ngâm sơ với nước muối, rồi bỏ vào nồi luộc bằng điện với mỗi mẻ tới vài chục ký măng và chỉ luộc chín vừa độ. Măng sau khi luộc vớt ra để ráo rồi tiếp tục cho vào máy sấy. Mỗi mẻ măng được sấy trong vòng 20 giờ, cứ 5 tiếng phải đảo một lần để măng khô đều. Măng sấy khô được đóng gói, hút chân không, dán nhãn mác, đưa đi tiêu thụ.
Hàng ngày, ông Pơ Loong Đào (thôn Achir, xã A Tiêng) cùng vợ mang măng điền trúc đến HTX Nông nghiệp dược liệu Tây Giang. Mỗi ký măng điền trúc, ông Đào bán với giá 5.000 đồng, bình quân một ngày, gia đình ông có thể thu nhập 400 - 500 nghìn đồng.
Không chỉ vậy, ông Đào còn tham gia các công đoạn như bóc, luộc, sấy măng khô... với HTX. Ông Đào là một trong 90 thành viên tham gia chuỗi liên kết giá trị sản phẩm với HTX Nông nghiệp và dược liệu Tây Giang.
“Bà con ở đây rất tin tưởng HTX, vì HTX mua đúng giá thị trường, không ép giá. Bán măng điền trúc, bà con có thêm tiền mua mì chính, muối, gạo, cuộc sống ổn định hơn”, ông Đào nói.
Hiện, HTX đã ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm măng điền trúc với các xã Lăng, A Tiêng của huyện Tây Giang và ký kết trực tiếp với các hộ dân có trồng măng điền trúc trên địa bàn huyện, nhằm đảm bảo nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất.
Ông Bùi Nam Chính, Giám đốc HTX Nông nghiệp dược liệu Tây Giang cho hay: “Năm 2018, HTX đã thu mua được khoảng 2 tấn măng điền trúc tươi để chế biến sản phẩm đưa đi các nơi tiêu thụ. Sản phẩm đã vào các đại lý, cửa hàng nông sản sạch ở Tam Kỳ, Đà Nẵng, được bày bán ở các điểm trưng bày sản phẩm du lịch của huyện Tây Giang. Năm 2019 vừa qua, sản lượng cung ứng ra thị trường đã tăng hơn năm trước rất nhiều”.
Ngoài ra, HTX có rất nhiều sản phẩm khác như măng ka đông sấy, các loại trà thảo dược…"Chúng tôi thực hiện chuỗi liên kết giá trị với 10 xã của huyện Tây Giang để tạo công ăn việc làm cho bà con”, ông Nam cho biết thêm.
Chứng nhận OCOP của tỉnh
Thời gian qua, huyện Tây Giang hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng để các HTX phát triển. Trong đó, từ nguồn khuyến công, xây dựng sản phẩm OCOP, khởi nghiệp sáng tạo, huyện đã hỗ trợ các HTX về kiến thức và tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông sản, dược liệu.
Các sản phẩm cúa HTX Nông nghiệp dược liệu Tây Giang (Ảnh: TL) |
HTX đã đầu tư hơn 700 triệu đồng để mua máy móc chế biến các sản phẩm mang thương hiệu Tây Giang.
Trong đó, HTX trang bị máy xắt măng, nồi luộc bằng điện, 2 máy sấy măng có công suất mỗi máy 50kg và gần 100kg, máy đóng gói, hút chân không và xây dựng bao bì, nhãn mác, đăng ký chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và các thủ tục liên quan để xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Măng sấy khô đóng gói có trọng lượng 200g, hút chân không, có bao bì, nhãn mác, không có chất bảo quản, không có chất tạo màu. Về cách sử dụng, sau khi lấy măng ra khỏi bì, cần ngâm nước sạch chừng 40 phút, tiếp tục bỏ vào nồi luộc chừng 10 phút, vớt ra là có thể chế biến món ăn hợp khẩu vị.
Đây chính là hướng đi mới của HTX Tây Giang, giúp đa dạng sản phẩm từ măng điền trúc, góp phần đưa đặc sản vùng cao vươn xa ra thị trường, mở rộng tiêu thụ.
Bên cạnh đó, cơ hội mở rộng diện tích trồng tre điền trúc lấy măng từ rừng, vườn đồi hay tận dụng các khu vực ven sông, ven suối bỏ hoang trồng tre rất lớn khi giá trị sản phẩm được nâng lên. Người dân sẽ có ý thức trồng thâm canh và chăm sóc hợp lý cây trồng. Trồng tre điền trúc ven sông, suối, ở bìa rừng cũng góp phần giữ đất và chống xói lở đất.
Cuối năm 2019, sản phẩm măng khô điền trúc Tây Giang được công nhận 3 sao theo chuẩn sản phẩm OCOP của tỉnh.
Nhật Nam