Trong thượng tuần tháng 10/2023, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định công nhận Làng nghề xoi Trầm Hương ở thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh (còn gọi là làng nghề Trầm hương Vạn Ninh) - một làng nghề đã hình thành lâu đời, là địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Tín hiệu tích cực cho người dân làm nghề trầm hương
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay làng nghề Trầm hương Vạn Ninh có gần 200 hộ gia đình gia công cây Dó bầu. Những năm qua được sự quan tâm hỗ trợ tập huấn, đào tạo nghề xoi trầm của các cấp, ngành nên người dân có điều kiện tiếp cận với nghề này ngày càng nhiều hơn. Từ việc được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận là làng nghề và nay là quyết định công nhận là địa điểm phát triển du lịch cộng đồng, đã mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho người dân làm nghề trầm hương.
Làng nghề xoi Trầm Hương ở thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) vừa được tỉnh Khánh Hòa công nhận là địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. |
Việc công nhận này có sự đóng góp quan trọng của HTX Trầm hương Vạn Thắng được thành lập cách đây 4 năm từ tiền thân là tổ hội nghề nghiệp xoi trầm hương. Đây là HTX duy nhất của tỉnh Khánh Hòa được bình chọn trong Top 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023.
HTX này hiện có có trên 10 sản phẩm được làm từ trầm hương, sản phẩm trầm hương đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Trầm hương của HTX đã xuất khẩu đến nhiều thị trường nước ngoài như: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và các nước Đông Nam Á…
Ở làng nghề Trầm hương Vạn Ninh, HTX được hưởng nhiều thế mạnh vì có một đội ngũ chế tác trầm hương tinh xảo, các sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường. HTX đã giải quyết nhu cầu việc làm cho hơn 50 lao động, trong đó 20 lao động chính làm việc xuyên suốt.
Ông Trần Công Đức, Giám đốc HTX cho biết, trước đây, các hộ làng nghề chủ yếu làm gia công sản phẩm nên đầu ra bấp bênh. Những năm gần đây, nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên làng nghề đã chế tác ra nhiều dòng sản phẩm rất tinh xảo và mang lại giá trị kinh tế cao. Từ đó, đầu ra sản phẩm được mở rộng, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo ông Đức, toàn bộ tập thể HTX đã không ngừng cố gắng chuyển đổi khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin vào bán hàng như: Bán hàng qua các trang mạng Facebook, Zalo hoặc đưa sản phẩm lên các sàn thông tin điện tử. Chính cách làm này đã thay thế cho cách làm truyền thống trước đây, giúp cho khách hàng tiếp cận dễ dàng hơn.
Hiện tại HTX Trầm hương Vạn Thắng có 7 thành viên, lợi nhuận sau khi trừ chi phí khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng/thành viên. HTX giúp các hộ gia đình các nghệ nhân tại làng nghề có thể hợp tác tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. HTX đã tạo việc cho các thành viên, phục vụ và hỗ trợ họ phát triển sản xuất, kinh doanh, mang lại lợi ích vật chất và tinh thần cho tất cả các hộ trong làng nghề.
Gắn kết làng nghề với kinh tế hợp tác và du lịch
Các thành viên trong HTX Trầm hương Vạn Thắng đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên làng nghề đã chế tác ra nhiều dòng sản phẩm rất tinh xảo và mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, đa dạng các sản phẩm trầm hương cũng là một thế mạnh của HTX này, bao gồm: Trầm cảnh mỹ nghệ, vòng trang sức trầm hương, nhang trầm hương không tăm và nhang trầm hương có tăm, tinh dầu trầm hương…
Các thành viên trong HTX Trầm hương Vạn Thắng chế tác ra nhiều dòng sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao. |
Với phương châm là đầu mối sản xuất và liên kết đưa sản phẩm của các hộ dân trong làng nghề xoi trầm truyền thống ra thị trường, HTX trầm hương Vạn Thắng đang ký hợp đồng liên kết gia công với 5 hộ sản xuất trầm hương trên địa bàn với sản lượng mỗi hộ trung bình đạt từ 1 tấn đến 2 tấn cây Dó bầu/năm.
HTX cũng thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, hộ nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm (sản lượng diện tích ký kết, tỷ lệ thành công hợp đồng, giá cả, phương thức thanh toán…).
Từ thành công của HTX Trầm hương Vạn Thắng và làng nghề Trầm hương Vạn Ninh sẽ thấy triển vọng lớn trong việc gắn kết làng nghề với kinh tế hợp tác và phát triển du lịch ở huyện Vạn Ninh.
Hơn nữa, việc xây dựng các làng nghề là địa điểm du lịch cộng đồng còn giúp phát triển các sản phẩm, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ để nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu cho các sản phẩm của làng nghề và của các HTX. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch còn đi đôi với bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới ở Vạn Ninh.
Mục tiêu của huyện Vạn Ninh đến năm 2025 sẽ hình thành điểm du lịch trung tâm, gắn với làng nghề theo mô hình chuỗi liên kết. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, địa phương đang tập trung triển khai để từng bước hình thành nên điểm du lịch làng nghề. Theo đó, huyện tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp vào đầu tư, khai thác theo hướng bền vững, đảm bảo bảo đôi bên cùng có lợi.
Ngoài thế mạnh về làng nghề trầm hương thì huyện Vạn Ninh còn có một lợi thế khác là nằm trong khu vực bắc vịnh Vân Phong - nơi đây được đánh giá có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội vượt trội trong tương lai. Và đặc biệt đã có HTX đang khai thác thế mạnh này trong việc đánh bắt hải sản và hướng tới phát triển du lịch, đó là HTX nuôi trồng thủy sản - du lịch Vân Phong ở thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh). HTX hiện có 30 thành viên, có nguồn vốn đầu tư ban đầu hơn 200 tỷ đồng, với 3.000 lồng bè nuôi hải sản trên diện tích mặt biển 20.000 m2.
Tiên phong “nuôi biển” theo mô hình HTX
Trong xu thế phát triển nuôi trồng thủy sản phải thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững, ông Võ Văn Thái, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản - du lịch Vân Phong, cho biết HTX đang tập trung chuyển đổi từ nuôi lồng bè truyền thống sang nuôi công nghệ cao và nuôi công nghiệp vùng biển xa bờ, áp dụng công nghệ lồng nhựa HDPE để an toàn hơn trong mùa bão lớn.
HTX nuôi trồng thủy sản - du lịch Vân Phong ở thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) đang áp dụng công nghệ lồng nhựa HDPE trong nuôi trồng thủy sản trên biển. |
HTX này cũng khuyến khích người dân ở địa phương tham gia mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGap, OCOP để sản phẩm thủy sản đạt chất lượng, an toàn và truy xuất được nguồn gốc. HTX còn hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng nghiêm các giải pháp an toàn sinh học, tổ chức giám sát dịch bệnh chủ động tại cơ sở.
HTX nuôi trồng thủy sản - du lịch Vân Phong được xem là đơn vị tiên phong ở huyện Vạn Ninh trong việc “nuôi biển” theo mô hình HTX. Từ hiệu quả ban đầu, hiện nay nhiều thành viên HTX sẵn sàng liên kết để mở rộng đầu tư nuôi biển công nghiệp.
Có thể nói với hai HTX tiêu biểu như HTX Trầm hương Vạn Thắng và HTX nuôi trồng thủy sản - du lịch Vân Phong, cùng với sự chuyển mình trong phát triển kinh tế hợp tác, đã và đang giúp cho huyện Vạn Ninh kéo giảm nhanh hơn tỷ lệ hộ nghèo.
Trong năm 2023, huyện Vạn Ninh đang nỗ lực để giảm 115 hộ nghèo, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 0,3%; giảm 289 hộ cận nghèo, đạt 0,75%; mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều đạt từ 1,05% trở lên. Riêng nửa đầu năm nay toàn huyện đã có 75 hộ thoát nghèo, 136 hộ thoát nghèo chuyển sang cận nghèo và 787 hộ thoát cận nghèo.
Huyện Vạn Ninh cũng đang dồn lực trong xây dựng nông thôn mới để về đích đúng mục tiêu đến năm 2025 đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Vào tháng 9/2023, xã Vạn Phú đã trở thành xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Thành quả của xã Vạn Phú có sự đóng góp lớn của kinh tế hợp tác, trên địa bàn xã hiện có 3 HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả; 1 chi hội sản xuất cây rau màu; 3 tổ hội và 1 tổ hợp tác sản xuất lúa giống; 1 điểm tiêu thụ nông sản giúp nông dân liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản của địa phương.
Đa số các mô hình kinh tế tập thể ở xã Vạn Phú đều liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó, HTX Nông nghiệp Vạn Phú 1 không chỉ liên kết sản xuất lúa theo chuỗi, các thành viên nơi đây còn triển khai thực hiện các giải pháp cần thiết để được cấp mã số vùng trồng, chứng nhận chất lượng VietGAP trên diện tích 10ha lúa, mang về hiệu quả kinh tế tốt hơn cho người trồng lúa.
Tin rằng, với việc khai thác thế mạnh của các HTX sẽ giúp người dân huyện Vạn Ninh thoát nghèo bền vững và đóng vai trò tích cực vào xây dựng nông thôn mới.
Thanh Loan