Báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Cà Mau cho biết, toàn tỉnh hiện có 161 HTX, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 71 HTX, và 88 HTX phi nông nghiệp. Doanh thu bình quân ước đạt 70 triệu đồng/tháng/HTX, thu nhập bình quân đạt 2,8-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Kết nối người nông dân
Cà Mau cũng đang có 1.193 tổ hợp tác (THT), với hơn 80.000 thành viên, hoạt động chính trong các lĩnh vực nông nghiệp, doanh thu bình quân của các THT trong giai đoạn 2015-2017 ước đạt 260 triệu đồng/năm, lợi nhuận trung bình đạt 90-120 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân đạt 28-30 triệu đồng/người/năm.
Với những hiệu quả về kinh tế, các HTX và THT đóng vai trò kết nối, hỗ trợ người nông dân trong việc cập nhật các phương thức sản xuất mới, tiếp cận thị trường, lập kế hoạch sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp... từ đó tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Để phát huy vai trò kết nối người nông dân, các HTX tại Cà Mau chú trọng phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh phát triển các chuỗi giá trị sản xuất, tăng cường liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ giữa các HTX cùng lĩnh vực.
Ông Lê Văn Kháng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau, chia sẻ: “Các HTX và THT kiểu mới ngày càng thể hiện được vai trò của mình trong việc thúc đẩy phong trào xóa đói, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tham gia HTX, người dân được hỗ trợ tối đa từ giống vật nuôi, cây trồng, kỹ thuật chăm sóc, các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, đến các vấn đề về thị trường, vốn vay...”.
Kể từ năm 2013 đến nay, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Cà Mau hỗ trợ vốn vay cho 181 lượt dự án của các HTX, với tổng vốn luân chuyển trên 25 tỷ đồng, qua đó góp phần giúp các HTX và THT có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh.
Các HTX tại Cà Mau đang thể hiện vai trò đậm nét trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương |
Phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
Hàng loạt các HTX điển hình tại Cà Mau ra đời, trở thành “cánh chim đầu đàn” của người nông dân. Điển hình như HTX Tân Thành Tiến với mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng; HTX Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn; HTX Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hoàng Mỹ; HTX Dịch vụ chăn nuôi Hoàng Anh; HTX Dịch vụ nuôi tôm công nghiệp Hòa Hiệp…
Vai trò phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của các HTX cũng đang thể hiện rõ nét tại các địa phương trong tỉnh. Đơn cử, tại huyện Ngọc Hiển, vai trò của các HTX cũng được thể hiện đậm nét. Đến nay, huyện đang có 54 THT, 13 HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó, nhiều HTX hoạt động hiệu quả như HTX nuôi hàu lồng Đất Mũi, HTX sản xuất tôm giống Đồng Đại Lợi, HTX tôm khô Tân Phát Lợi…
Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, ông Lý Hoàng Tiến, chia sẻ: “Với những thành công đang có, huyện tiếp tục khuyến khích người dân liên kết sản xuất, hình thành HTX, THT sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế, giảm giá thành đầu tư, tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, từ đó nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững cho người dân”.
Để tháo gỡ những khó khăn, phát huy vai trò của các THT, HTX kiểu mới trong thời gian tới, Cà Mau đang đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tập thể cả về số lượng và quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển đồng đều trên nhiều lĩnh vực, trong đó, tập trung vào các ngành mũi nhọn của tỉnh như trồng trọt, nuôi trồng và khai thác thủy sản…
Hiến Nguyễn