Rau vụ đông mang lại thu nhập gấp 2-3 lần rau chính vụ |
Ông Tống Mạnh Hiền, Giám đốc HTX nông nghiệp Yên Lạc, cho biết: Tháng 10/2016, được sự hỗ trợ của Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao và xúc tiến thương mại, Sở NN&PTNT, HTX đã chính thức sản xuất theo mô hình rau an toàn với 35 thành viên tham gia.
Xây dựng thương hiệu
Để giải quyết khó khăn về đầu ra, HTX Yên Lạc đẩy mạnh trồng rau trái vụ, trồng các loại rau ngắn ngày theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó khắc phục được tính mùa vụ và đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Việc phát triển các loại rau ngắn ngày vụ đông cho hiệu quả kinh tế cao nên đã thu hút được sự tham gia tích cực của các thành viên và người dân địa phương. Ngoài các loại rau truyền thống, năm nay, HTX đưa vào các loại cây rau hàng hóa khác có giá trị như: dưa chuột, khoai tây, bí xanh, ngô, ớt, mướp đắng, lặc lày...
Đáp ứng yêu cầu khắt khe của các đơn vị đặt hàng, ngày ngày các thành viên bám đồng, bám ruộng theo dõi sát sao sự sinh trưởng của cây trồng. Mọi người đặc biệt tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc bảo đảm ATVSTP, trong đó chỉ sử dụng thuốc trừ sâu sinh học phun phòng trừ sâu bệnh.
“Hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm đến các loại rau sạch, rau an toàn. Người nông dân cũng phải biết nắm bắt nhu cầu và sản xuất theo tín hiệu thị trường”- bà Chu Thị Mát-thành viên HTX, cho biết.
Khi rau được thu hoạch, các đơn vị đưa phương tiện về thu mua tại ruộng với giá 4 - 5 nghìn đồng/kg. Dù rau xanh ngoài thị trường giá cao hơn nhưng các thành viên HTX tuân thủ hợp đồng, không bán sản phẩm ra ngoài, theo đó doanh nghiệp cũng điều chỉnh tăng giá thu mua.
Chú trọng sản xuất rau trái vụ, HTX thu lãi cao hơn nhiều lần so với việc sản xuất chính vụ. “Ước tính, vụ đông năm nay, HTX thu lãi hơn 80 triệu đồng/ha, lãi gấp 3 lần so với trồng rau chính vụ”-Giám đốc Tống Mạnh Hiền cho biết.
Tận dụng điều kiện tự nhiên và chú trọng áp dụng kỹ thuật sản xuất rau trái vụ, các thành viên HTX đã biến vụ đông trở thành vụ chính thứ ba trong năm và góp phần không nhỏ vào việc xây dựng thương hiệu “Rau Yên Lạc”.
Hoạt động này của HTX góp phần không nhỏ trong việc tái cơ cấu ngành trồng trọt, bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng theo vùng nhằm xây dựng thương hiệu nông sản sạch, đảm bảo đầu ra cho trên cơ sở thành viên thực sự được hưởng lợi. Đặc biệt, trong khi nhiều người trồng rau "méo mặt" vì các loại rau chính vụ được mùa mất giá, thì các thành viên và người dân vẫn yên tâm sản xuất.
Bảo vệ môi trường
Việc trồng rau trái vụ, sử dụng nilon phủ đã tạo ra môi trường sinh thái không thuận lợi cho các loại sâu bệnh như sâu xanh, bọ nhảy, sâu tơ, vốn chỉ có thể phát triển ở nhiệt độ thấp, phát sinh gây hại, cho nên HTX hầu như không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong suốt quá trình sinh trưởng cây trồng... Ðây là yếu tố quan trọng tạo ra các sản phẩm rau an toàn cho người sử dụng.
Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật sản xuất và kinh nghiệm gieo trồng các loại rau màu, tùy vào diện tích, rất nhiều hộ thành viên của HTX vươn lên làm giàu từ mô hình rau trái vụ.
Khi sản xuất, HTX tận dụng tất cả các loại chất thải từ chăn nuôi, phế phụ phẩm trong sản xuất, trong chế biến (bã dong riềng) để ủ làm phân hữu cơ vừa có tác dụng cải tạo đất vừa góp phần bảo vệ môi trường và hướng tới một nền sản xuất hữu cơ thân thiện với môi trường.
Phương thức sản xuất này đã thay đổi tập quán canh tác của nhân dân trong xã, tận dụng nguồn lao động tại chỗ, góp phần cải tạo môi trường, hạn chế tệ nạn thả rông gia súc khi chưa vào vụ sản xuất.
Ông Chu Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hồng, cho biết phát triển các loại rau trái vụ sẽ tăng hệ số quay vòng sản xuất nhờ chủ động thời vụ, không phụ thuộc vào thời tiết, giảm chi phí phân bón do không bị rửa trôi, giảm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật và giảm công sức làm đất. Rau trái vụ không chỉ nâng cao thu nhập mà góp phần tăng nguồn cung cấp rau an toàn cho người dân.
Như Yến