Để huy động được dòng vốn này, các chuyên gia đề xuất Việt Nam cần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt, đa dạng hóa các định chế tài chính tham gia thị trường, đa dạng hóa sản phẩm tài chính thông qua việc nâng cao chất lượng thể chế, luật pháp để người dân tin tưởng và sẵn sàng đầu tư.
Vốn nhàn rỗi trong dân rất lớn
Trong một diễn đàn bàn về giải pháp gọi vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, ông Alatabani – chuyên gia trưởng thị trường tài chính Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, đã nhắc đến con số khoảng 60 tỷ USD đang được tích lũy trong dân. Nếu huy động được số tiền này sẽ giúp tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế Việt Nam.
Câu chuyện huy động nguồn lực, mà cụ thể là vàng và ngoại tệ trong dân đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết lượng vàng và ngoại tệ trong dân bước đầu đang dần chuyển hóa thành tiền. Lượng tiền gửi bằng VND trong hệ thống gia tăng, với tốc độ tăng hàng năm quanh mức 16-20%.
Hiện nay, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm đến 70% so với năm 2013. Cung, cầu vàng miếng trên thị trường tương đối cân bằng, chủ yếu các doanh nghiệp mua ròng vàng miếng từ khách hàng cá nhân, trong đó một phần được chuyển hóa phục vụ nhu cầu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Đặc biệt, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá và xuất hiện những “cơn sốt” vàng miếng như trước kia.
Thị trường ngoại tệ cũng vậy. Nhờ chính sách áp trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%/ năm giúp diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm. Kể từ năm 2016, hệ thống tổ chức tín dụng chuyển từ bán ròng sang mua ròng ngoại tệ. Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào được một lượng rất lớn ngoại tệ trong mấy năm qua để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức cao kỷ lục, gần 64 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, huy động nguồn lực trong dân mới ở mức rất thấp. Nếu muốn huy động một cách hiệu quả nguồn lực này, không chỉ có kênh ngân hàng, mà phải sử dụng nhiều kênh như: trái phiếu, chứng khoán, bảo hiểm…
Lâu nay, câu chuyện làm thế nào để huy động được nguồn lực trong dân, chủ yếu là nguồn ngoại tệ, vàng để đầu tư phát triển luôn là chủ đề “nóng” được đưa ra bàn luận nảy lửa trong các cuộc chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, các buổi làm việc của Chính phủ, bộ, ngành chức năng.
Hàng loạt kiến nghị, giải pháp được đưa ra, thế nhưng đến nay, giải pháp “huy động” vẫn chưa đi đến thống nhất và chưa có một phương án nào được phê duyệt.
Lượng tiền gửi bằng VND trong hệ thống gia tăng, với tốc độ tăng hàng năm quanh mức 16-20% |
Tạo niềm tin trong dân
Theo các chuyên gia, số tiền nằm trong dân chưa hẳn là tiền mặt, có thể là vàng, là ngoại tệ hoặc những nguồn khác. Vì vậy, mỗi nguồn khác nhau phải có điều kiện khai thác và cách khai thác khác nhau.
Tuy nhiên, dù sử dụng cách huy động nào thì quan trọng là phải tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt để người dân tin tưởng, sẵn sàng mang vốn từ trong két ra để đầu tư.
Ts. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH&ĐT), cho rằng: “Nếu không làm rõ được hiệu quả kinh doanh vốn của người dân thì khó huy động được nguồn lực trong dân để làm động lực phát triển kinh tế”.
Thực tế, ở các vùng nông thôn, người dân rất khó tiếp cận được các kênh đầu tư chính thống, họ thường tìm đến những nguồn không chính thống và nuôi “ảo tưởng” về mức độ sinh lời, sẵn sàng chấp nhận các lời mời gọi huy động vốn 1,5-2%/ngày mà không lường trước rủi ro.
“Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong các hộ gia đình để họ yên tâm khi đầu tư vào các kênh khác nhau”, Ts. Lưu Bích Hồ nói.
Đồng quan điểm, Ts. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh đến niềm tin của người dân: “Kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh tốt sẽ tạo niềm tin, khi đó đồng tiền thay vì “ngủ” trong két sẽ theo tín hiệu thị trường đi vào sản xuất kinh doanh”.
Phân tích về các kênh đầu tư hiện hành, các chuyên gia cho rằng hiện nay có nhiều kênh để hút nguồn vốn trong dân cư như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm, ngân hàng…
Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ gọi vốn ở thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp đang còn hạn chế. Vì vậy, Việt Nam cần đa dạng hóa các định chế tài chính tham gia thị trường, đa dạng hóa sản phẩm tài chính thông qua việc nâng cao chất lượng thể chế, luật pháp, phát triển thị trường chứng khoán, thúc đẩy trái phiếu doanh nghiệp nhằm huy động được nguồn vốn dài hạn.
Huyền Anh