HTX nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp được thành lập từ đầu năm 2014 trên cơ sở hình thành từ trang trại sản xuất nấm Tuấn Hiệp, đến nay có 12 thành viên sản xuất nấm theo tiêu chuẩn VietGAP, có thị trường tiêu thụ ổn định.
Hiệu quả kép từ sản xuất VietGAP
Anh Vũ Tuấn Hiệp, Giám đốc HTX, cho biết để nâng tầm quy mô, HTX tiến hành liên kết sản xuất, kinh doanh với các hộ sản xuất trong khu vực theo quy trình khép kín từ thu mua nguyên liệu làm phôi, nuôi cấy giống, nuôi trồng, đến chế biến và cung ứng thành phẩm ra thị trường.
HTX đang thành công với sản xuất nấm theo tiêu chuẩn VietGAP (Ảnh TL). |
Nhờ sản xuất ổn định, trung bình mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường 5 tấn mộc nhĩ khô, 20 tấn nấm sò tươi, gần 1 tấn nấm linh chi dược liệu và nhiều sản phẩm đã chế biến từ nấm như giò nấm, nem nấm và nấm chiên giòn…
Theo anh Vũ Tuấn Hiệp, kỹ thuật và nhân lực là hai yếu tố quyết định đến thành công hiện tại của HTX. Theo đó, ngay từ khi thành lập, HTX đã cử cán bộ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các cơ sở sản xuất nấm điển hình, đồng thời tham gia các khóa tập huấn về trồng nấm sạch, thân thiện môi trường.
Để nâng cao năng suất, chất lượng nấm, HTX áp dụng quy trình sản xuất nấm 10 bước quy định theo tiêu chuẩn VietGAP, từ khâu xử lý bịch nấm, chọn tạo giống, đến các khâu chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển…
Đơn cử, trong quá trình làm bịch phôi nấm, HTX tuyển chọn các nguyên liệu chất lượng, được xử lý vi sinh, loại bỏ hoàn toàn tạp chất, nói không với hóa chất độc hại, chất kích thích tăng trưởng, qua đó đảm bảo cho nấm phát triển tốt và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, việc tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương như mùn cưa và nguồn phế phẩm nông nghiệp (rơm, rạ) làm bịch phôi nấm cũng giúp giảm thiểu tình trạng đốt rơm, dạ sau mùa vụ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Các loại rác thải, nguyên liệu chế biến thừa cũng luôn được thành viên HTX xử lý, thu gom đúng nơi quy định để hạn chế ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, không khí, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nấm thương phẩm.
Mở hướng phát triển bền vững
Nhờ phương thức sản xuất sạch, thân thiện môi trường, hiệu quả sản xuất của HTX đang ngày càng được nâng lên.
Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm của HTX hiện không chỉ mang lại thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho thành viên, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 150 – 300 nghìn đồng/người/ngày.
HTX dự kiến đầu tư mạnh hơn vào khoa học - kỹ thuật để nâng cao giá trị (Ảnh TL). |
Đáng chú ý, HTX nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp đã thực hiện mô hình liên kết với các hộ dân ở các xã lân cận bằng hình thức “bán công nghệ” và bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, sau khi nấm nguyên liệu đóng thành bịch sẽ được HTX bán hoặc thuê các hộ dân chăm sóc, sản phẩm làm ra sau đó được HTX mua lại.
Trong tương lai, Giám đốc Vũ Tuấn Hiệp cho biết để giúp những nông dân trong xã yên tâm về mô hình trồng nấm, HTX đang xin mở rộng diện tích và tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm không chỉ ở trong xã mà mở rộng ra cả các xã lân cận.
Ngoài ra, HTX sẽ tập trung tìm thêm thị trường tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Để mở rộng quy mô, sản phẩm, HTX đang liên kết với một số đơn vị để sản xuất nấm Linh chi.
Đến nay, HTX đang sản xuất hàng chục vạn bịch phôi nấm/vụ, đồng thời giúp nhiều hộ nông dân mở cơ sở sản xuất trồng nấm và mộc nhĩ, tổ chức hướng dẫn bà con có thể tận dụng các khoảng trống ở ruộng vườn để trồng nhằm tăng thêm thu nhập.
“So với cấy lúa và chăn nuôi thì trồng nấm, mộc nhĩ không cần nhiều vốn, hiệu quả kinh tế cao lại tận dụng được nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Mô hình không những đem lại hiệu quả về kinh tế, mà còn góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp xanh tại địa phương phát triển theo hướng ổn định, bền vững”, Giám đốc Vũ Tuấn Hiệp nhấn mạnh.
Hưng Nguyên