Vị Xuyên là một trong những huyện có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn. Để khai thác tiềm năng đó, việc phát triển các HTX sẽ là “bà đỡ” lâu dài giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến phát triển kinh tế rừng trồng bền vững thông qua các dịch vụ hỗ trợ.
Nhân rộng mô hình
Được thành lập đầu tiên vào đầu năm 2016 tại xã Kim Thạch, HTX Dân quân trồng rừng xã Kim Thạch được giao 80 ha đất lâm nghiệp để trồng rừng kinh tế. Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, HTX đã phát huy hiệu quả; phủ xanh toàn bộ đất trống, đồi núi trọc được giao và tạo việc làm cho các thành viên.
Từ thành công này, huyện Vị Xuyên đã trực tiếp kiểm tra, đánh giá và chỉ đạo nhân rộng mô hình HTX dân quân trồng rừng tại một số xã trên địa bàn và đổi tên thành HTX trồng rừng. Từ đây, HTX Trồng rừng xã Bạch Ngọc, Ngọc Minh, Thuận Hòa lần lượt được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả. Lực lượng chính của các HTX này là các thành viên dân quân.
Được giao 100 ha đất lâm nghiệp, HTX Trồng rừng xã Bạch Ngọc đã có 35 ha cây keo Úc của đang bước vào tuổi thứ 2, thứ 3. Nhờ sự phối hợp, hỗ trợ của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vị Xuyên, Trạm Kiểm lâm km 21, phòng NN&PTNT huyện về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; phòng, chống sâu, bệnh… đến nay, rừng cây đều sinh trưởng và phát triển tốt, chiều cao cây trung bình 2,5 - 3 m, đường kính trung bình 5 - 6 cm.
Ông Vi Quang Võ - Chỉ huy Trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, Giám đốc HTX, cho biết: “Trước đây, rừng keo Úc này toàn là cây bụi, trảng cỏ, lau lách, không có đường đi. Người dân trong thôn ngại khó nên không ai nhận trồng rừng. Nếu không có quyết tâm thì HTX cũng không làm được. Bởi để có một diện tích rừng như hiện nay, các thành viên HTX đã bỏ rất nhiều công sức”.
Ngoài việc phát dọn thực bì, đào hố trồng cây, các thành viên HTX phải vác từng bao tải phân, từng cây giống leo đường núi dốc đứng để trồng rừng. Khi mới thành lập, HTX có 52 thành viên, nhưng chỉ góp được hơn 12 triệu đồng tiền vốn điều lệ. Đến nay, vốn điều lệ đã tăng lên trên 100 triệu đồng, diện tích trồng rừng cũng tăng từ 5 ha lên 35 ha chỉ sau 2 năm HTX đi vào hoạt động.
Rừng keo Úc 2 tuổi của HTX Trồng rừng xã Bạch Ngọc |
Bảo vệ môi trường
Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Ngọc Giàng Seo Nhì cho biết, sự thành công bước đầu của HTX trồng rừng không chỉ giúp tăng độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường của xã mà còn giúp người dân thay đổi nhận thức và tích cực trồng rừng. Từ khi các HTX ra đời, toàn xã đã tăng thêm 200 ha rừng kinh tế, độ che phủ rừng đat 68,8%.
Từ kết quả trồng rừng của HTX Bạch Ngọc đã tạo sức lan tỏa tích cực để nhân dân trong xã học tập, làm theo, góp phần xã hội hóa nghề rừng tại xã vùng 3 của huyện Vị Xuyên. Qua làm việc tại HTX, các thành viên đã đúc rút được kinh nghiệm từ các khâu chọn giống, trồng và chăm sóc rừng; tiếp tục đầu tư nhân rộng diện tích rừng của của hộ gia đình được giao, thay thế diện tích rừng trồng manh mún, kém chất lượng bằng diện tích rừng thâm canh năng suất cao.
Hiện nay, trên địa bàn xã Bạch Ngọc có 172,1 ha rừng trồng, gồm các loài cây Keo, Bồ Đề, Xoan, Mỡ, tại 5 thôn (thôn Diếc, thôn Ngọc Bình, thôn Minh Thành, thôn Mường, thôn Phai) của 54 hộ, tham gia đề nghị được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Các HTX trồng rừng của huyện Vị Xuyên ra đời đã tạo ra phương thức sản xuất mới, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, tăng cường hiệu quả sử dụng đất và chất lượng rừng trồng; phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đầu tư thâm canh trong sản xuất lâm nghiệp để bảo vệ môi trường. Đồng thời tăng cường sức mạnh, nguồn lực của các thành viên HTX, tạo công ăn, việc làm cho người dân địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
Hà Xuyên