Nhận thấy phát triển kinh tế lâm nghiệp là điều kiện thuận lợi trên địa bàn, HTX Toàn Dân hướng thành viên và người dân phát triển các loại cây dược liệu kết hợp trồng rừng lấy gỗ để giảm nghèo bền vững, từ đó vươn lên làm giàu chính đáng.
Đánh thức tiềm năng dược liệu
Hiện nay, ngoài trồng cây keo tai tượng, HTX tập trung phát triển giống cây ba kích. Ngoài diện tích đất của các thành viên, HTX còn đứng ra thuê thêm đất của người dân để mở rộng vùng trồng.
Theo Ban giám đốc HTX, nhận thấy chu kỳ trồng và khai thác gỗ rừng trồng rất dài, việc quay vòng vốn khó khăn, cộng với yêu cầu bảo vệ rừng, nên HTX mở rộng sang trồng cây dược liệu. Khi tìm hiểu, các thành viên thấy cây ba kích có hiệu quả kinh tế cao, trong khi người dân trên địa bàn mới chỉ khai thác tự nhiên, nguồn giống cây ngày một cạn kiệt. Chính vì vậy, HTX đã mạnh dạn nghiên cứu, tiên phong đưa cây ba kích tím vào trồng thâm canh.
Ba kích tím được nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tại HTX Toàn Dân |
HTX Toàn Dân lập dự án và được UBND tỉnh phê duyệt, có quy mô 100ha với tổng kinh phí trên 107 tỷ đồng. HTX liên kết với Viện Công nghệ sinh học Hà Nội sử dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống những mẫu cây ba kích tím Ba Chẽ trong phòng thí nghiệm. Cách nhân giống này vừa đảm bảo được năng suất, vừa đảm bảo chất lượng của củ ba kích vì phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương.
Theo ông Lê Công Tiềm-Giám đốc HTX, để giữ được đặc tính và vị thuốc vốn có của ba kích tím, HTX chuẩn bị rất kỹ khâu chuẩn bị giống. Theo đó, mầm giống phải được ủ trong nhà kính 6 tháng để tránh gió. Sau đó, mầm được cấy vào bầu đất và chăm sóc trong nhà lưới. Cây lớn tầm 10-15cm đem ra trồng xen canh với cây rừng để đảm bảo được hoạt chất quý. Thời gian và diện tích trồng cây cũng được HTX tính toán hợp lý để đáp ứng yêu cầu về số lượng của đối tác thu mua.
Để thuận tiện trong quản lý, chăm sóc và thu hoạch, HTX chia thành 3 tổ nhóm dựa theo khu vực sản xuất, đồng thời thuê kỹ sư về tập huấn kỹ thuật để cùng nhau tạo nên sản phẩm chất lượng.
Thúc đẩy thoát nghèo
Không dừng lại ở đó, HTX còn đầu tư trên 50 tỷ đồng làm nhiều km đường rừng, xây dựng các công trình trữ nước để tưới cây, quy hoạch các khu ươm cây ba kích tím. Một điều khá thuận lợi là cây ba kích rất hợp với khí hậu tại xã Thanh Lâm. Nhờ thích nghi tốt cùng với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ươm giống, trồng nên cây ba kích ngày càng phát triển và có chất lượng tốt. Cây ba kích tím sau chu kỳ 3-4 năm sẽ cho thu hoạch. Mỗi khóm ba kích cho thu hoạch hàng chục củ, với giá trung bình 200.000 đồng/kg.
Ngoài ra, HTX cũng tiếp tục trồng và nhân rộng nhiều cây dược liệu quý hiếm khác như cây chùm ngây, kim tiền thảo, kim ngân... và chuối tiêu hồng để đáp ứng nhu cầu thị trường, quay vòng sản xuất và nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động.
Điều này cũng mang lại hiệu quả xã hội cao khi tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn. Hiện tại, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động, thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng, tạo việc làm thời vụ cho trên 200 lao động địa phương. Qua đó, góp phần xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Củ ba kích tím mang lại thu nhập cao cho người dân |
Đặc biệt, HTX đã liên kết với Công ty Rượu Vodka Hà Nội để chế biến sâu. Dự kiến, trong năm nay bắt đầu phân phối sản phẩm, mỗi năm khoảng 100 tấn, dự kiến doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/năm. Đây là tin vui đối với HTX và cũng là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện Ba Chẽ, trong đó có công tác giảm nghèo tại địa phương.
Ít ai biết rằng, cây ba kích tím từng là dược liệu quý của huyện Ba Chẽ. Tuy nhiên, một thời ba kích tím đã bị khai thác tận diệt tới mức phải đưa vào danh mục bảo vệ mặc dù trước đó mọc hoang rất nhiều. Do đó, hướng phát triển cây ba kích của HTX Toàn Dân cũng là hướng đi chung của UBND huyện Ba Chẽ nhằm bảo tồn nguồn dược liệu quý và tạo thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.
Đến nay, nhờ đổi mới trong công tác quản lý và sản xuất, cây ba kích tím mà HTX sản xuất đã góp phần thay đổi được cơ cấu cây trồng cho người dân, đem lại lợi ích kinh tế cao gấp rất nhiều lần so với keo - loại cây đang được trồng phổ biến ở Ba Chẽ.
Giống như tên gọi của HTX, những người đứng đầu HTX mong muốn tất cả mọi người dân trên địa bàn xã đều được tham gia phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Vì vậy, thời gian tới, HTX có dự định phổ biến, nhân rộng mô hình trồng ba kích trên địa bàn, đồng thời phát triển thêm một số dự án mới từ cây ba kích để tạo nên các sản phẩm từ thương hiệu ba kích Ba Chẽ. Qua đó, giúp người dân trên địa bàn có hướng phát triển mới hiệu quả hơn, từng bước cải thiện đời sống và vươn lên làm giàu…
Như Yến