HTX thủy sản Hồ Quỳnh được thành lập năm 2014, với tên gọi ban đầu là HTX thủy sản Đán Đăm, có 8 thành viên tham gia sản xuất. Đến năm 2015, HTX đổi tên thành HTX thủy sản Hồ Quỳnh.
Khai thác tiềm năng hồ thủy điện
Sau khi công trình thủy điện Sơn La hoàn thành, huyện Quỳnh Nhai có diện tích lòng hồ khoảng 10.500 ha, chiếm trên 80% diện tích mặt hồ thủy điện Sơn La. Lòng hồ có hệ thực vật, phù du phong phú, làm thức ăn cho nhiều loại thủy sản. Nắm bắt được lợi thế đó và được sự đồng ý của các cấp ngành, HTX thủy sản Hồ Quỳnh đã phát triển mô hình nuôi cá lồng sạch, với các loại cá trắm, rô phi, nheo, lăng…
Ban đầu, do nguồn vốn còn hạn hẹp, HTX mới chỉ phát triển nuôi trồng được 16 lồng cá. Để phát triển hiệu quả, HTX đã chủ động liên kết với Sở NN&PTNT tỉnh, mời cán bộ chuyên môn về tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, nhất là cách phòng, chống dịch bệnh cho cá.
![]() |
Xã viên của HTX thủy sản Hồ Quỳnh cho cá ăn
Từ đó, nhận thức, kinh nghiệm sản xuất của xã viên đã có nhiều chuyển biến; các hộ dân tham gia vào HTX yên tâm sản xuất. Cùng với đó, HTX đã chủ động liên kết với các nhà hàng, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên thị trường đầu ra của HTX được ổn định, cá thu hoạch đến đâu được tiêu thụ hết đến đó.
Bà Lò Thị Phấư - Chủ tịch HĐQT HTX thủy sản Hồ Quỳnh, cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX đã tăng từ 16 lồng cá lên 78 lồng cá các loại. Nhờ giá bán cá ra thị trường ổn định, cá trắm từ 3kg trở lên có giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, loại cá dưới 2 kg có giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg nên trung bình thu nhập thấp nhất của mỗi hộ thành viên là 3 - 5 triệu đồng/tháng, hộ nhiều 10 - 15 triệu đồng/tháng. Đến nay, HTX đã thu hút thêm 17 thành viên, nâng tổng số lên 25 thành viên tham gia.
Để đạt được hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản, HTX luôn có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái. Bà Lò Thị Phấư cho biết vì tận dụng lòng hồ thủy điện là công trình cộng đồng, nên ý thức bảo vệ môi trường càng được nâng cao.
Đi đôi với bảo vệ môi trường
HTX chỉ sử dụng nguồn thức ăn đã được các cán bộ giới thiệu, quy định. Không sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình chăn nuôi mà chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học khi cần thiết, nên môi trường sống của thủy sản được bảo đảm. Nguồn nước không bị ô nhiễm, chu kỳ nuôi cá không gặp khó khăn gì, nhất là dịch bệnh được hạn chế tối đa.
Bên cạnh đó, HTX tuân thủ đúng về cách sắp xếp lồng cá. Mật độ các lồng cá được bảo đảm không quá dày, mỗi cụm lồng là 10 - 15 lồng, trong đó, mỗi lồng cá lại cách nhau 10 - 15m để bảo đảm đủ ôxy cho cá sinh sống và không gây ô nhiễm môi trường bởi lượng phân do cá thải ra hàng ngày.
Được sự tư vấn của các cán bộ chuyên môn, HTX tiến hành sử dụng các loại thức ăn công nghiệp và thức ăn tự nhiên trong chăn nuôi. Trong đó, thức ăn công nghiệp là loại thức ăn dạng viên, nổi, không tan trong nước, nhằm hạn chế thất thoát thức ăn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước.
“Để bảo đảm môi trường trong thời gian lâu dài, HTX đã cử các xã viên tham gia công tác vệ sinh lồng bè. Việc này được tiến hành 1 tuần/lần. Vệ sinh lồng cá còn giúp kiểm tra xem lồng cá có bị rách, hỏng hay không để kịp thời sửa chữa, khắc phục. Nhờ đó, quá trình nuôi cá thu được hiệu quả cao, môi trường được đảm bảo không bị ô nhiễm”, bà Lò Thị Phấư cho biết.
Hiện, HTX đang mở rộng quy mô và tiến hành nuôi thủy sản kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho xã viên.
Có thể thấy, hiệu quả từ hoạt động của mô hình HTX thủy sản Hồ Quỳnh đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Việc nuôi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường đã thể hiện bước phát triển bền vững và lâu dài của HTX. Với nhu cầu mở rộng mô hình và liên kết trong sản xuất, hy vọng, HTX sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền để thu được những kết quả đáng mong đợi trong thời gian tới.
Như Yến