Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, năng suất chế biến tinh bột của HTX tăng 5 - 7 lần so với trước, chất lượng được cải thiện rõ rệt. Mỗi năm, HTX bán ra thị trường khoảng 10 tấn bột sắn khô, tạo việc làm cho trên 20 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân đạt từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.
Đời sống người dân chuyển biến mạnh mẽ
Gia đình anh Hoàng Đức Thủy trước đây thuộc diện hộ nghèo của tổ dân phố Măng Ngọt. Từ năm 2013, sau khi cải tạo 1ha đất đồi để trồng sắn dây, cuộc sống của gia đình khá hơn.
Theo anh Thủy, chi phí đầu tư trồng sắn dây thấp, ít tốn công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, gia đình anh có khoảng 100 gốc sắn dây, mỗi năm thu khoảng 8 tạ tinh bột, với giá bán từ 120 - 150 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng sau khi trừ đi các chi phí. Ngoài vụ sắn chính, gia đình anh còn trồng rừng và chăn nuôi để gia tăng thu nhập.
![]() |
Ông Tống Văn Châu, Giám đốc HTX đang giới thiệu sản phẩm tinh bột sắn dây Thục Sơn tại hội chợ OCOP ở Hà Nội. |
Ông Tống Văn Châu, Giám đốc HTX chế biến tinh bột sắn dây Thục Sơn cho biết: “Giá trị kinh tế của cây sắn dây gấp 3 - 4 lần so với cây lúa, cây hoa màu. Nhờ chuyển đổi cây trồng hợp lý, kinh tế các gia đình phát triển mạnh. Hiện nay, HTX không còn hộ nghèo, các thành viên đều gia tăng sản xuất để phấn đấu trở thành hộ làm kinh tế giỏi”.
Nhiều năm gần đây, vấn đề thực phẩm bẩn luôn là nỗi lo thường trực của người tiêu dùng. Trên một số trang mạng xã hội, bột sắn dây kém chất lượng được quảng cáo tràn lan với giá rẻ như cho. Nhiều cơ sở sản xuất vì chạy theo lợi nhuận mà sử dụng bột sắn dây giả làm từ củ mì hoặc pha trộn các chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
![]() |
HTX hướng dẫn các hộ thành viên sử dụng máy sấy bột. |
Giữa thời điểm thị trường “vàng thau lẫn lộn”, HTX Thục Sơn gặp không ít trở ngại khi phải cạnh tranh với hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, HTX xác định đặt chữ tín lên hàng đầu, sản xuất và chế biến sạch, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu. Ban lãnh đạo HTX cho rằng đây chính là con đường dài hạn để giữ nghề cho người nông dân, giữ uy tín cho cả vùng sản xuất.
HTX Thục Sơn cử thành viên đến các vùng Kinh Môn (Hải Dương), Đông Triều (Quảng Ninh), Thái Bình, Hà Nội để học kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến. Quá trình trồng và chăm sóc sắn dây tuân theo phương pháp canh tác hữu cơ. Trước khi trồng sắn dây, người dân đánh vồng cho đất rồi ủ phân hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho mầm sắn phát triển. Để củ sắn to, cho chất lượng bột tốt, người dân chủ động cho cây leo giàn, không để lá và ngọn chạm đất, tập trung dinh dưỡng cho củ.
Quá trình chế biến củ sắn tươi theo phương pháp thủ công. Sau khi nghiền và vắt, bột sắn dây được lắng, lọc nhiều lần, trong 5 - 7 ngày. Nước để lọc bột phải là nước sạch và đặc biệt HTX không sử dụng chất tẩy rửa trong quá trình ngâm để bảo đảm ATLĐ cho người sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, HTX Thục Sơn gây dựng thành công thương hiệu đặc sản bột sắn dây thị trấn Sơn Dương, được người tiêu dùng trên cả nước tin dùng và sử dụng.
Đổi mới máy móc gắn liền với ATLĐ
Những năm gần đây, HTX Thục Sơn chú trọng đổi mới máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến tinh bột sắn dây nhằm giải phóng sức lao động cho bà con, tiết kiệm thời gian và nâng cao giá trị nông sản.
![]() |
Người dân Sơn Dương thu hoạch sắn dây. |
Doanh thu năm 2019 của HTX đạt 2 tỷ đồng. Ngoài việc chia cổ phần cho các thành viên, HTX trích lại một phần để đầu tư máy móc, thiết bị mới như máy nghiền, máy vắt, máy khoắng bột, máy sấy bột, máy hút chân không. Quy trình chế biến tinh bột sắn dây của HTX bao gồm: 70% máy móc, 30% thủ công.
Song song với việc đổi mới hệ thống máy móc, HTX tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm và ATLĐ cho các hộ thành viên. Người lao động tham gia chế biến phải kiểm tra máy móc trước khi sử dụng, không vận hành máy khi có vấn đề về điện để tránh xảy ra tai nạn lao động. Trong các công đoạn chế biến tinh bột sắn dây, công đoạn nghiền và xay khá nguy hiểm, người lao động phải đeo găng tay, đi ủng bảo hộ để tránh lưỡi dao sắc gây tổn thương tay, chân.
Giám đốc Tống Văn Châu cho biết: “HTX Thục Sơn thành lập chưa lâu, nguồn vốn xoay vòng còn hạn chế nên việc phát triển thị trường, mở rộng sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025, HTX hướng đến mở rộng diện tích sản xuất lên 50ha, nâng sản lượng 40 - 50 tấn bột thành phẩm. Để đạt được điều này, HTX mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ về quỹ đất, vốn để phát triển thị trường, đầu tư máy móc hiện đại, tăng giá trị nông sản cả về chất và lượng”.
Xuân Mai