Khi mới thành lập, HTX sở hữu số vốn khoảng 100 triệu đồng với 40 thành viên. Đến nay, HTX đã có trên 80 thành viên, chủ yếu là những cựu chiến binh và con em của những người lính, với tổng nguồn vốn trị giá trên 10 tỷ đồng. Tổng doanh thu của HTX mỗi năm đạt trên dưới 9 tỷ đồng, thu nhập bình quân của thành viên đạt 3,5 - 6 triệu đồng/tháng.
Từ HTX nhiều khó khăn
Ông Nguyễn Hữu Hoạch - Giám đốc HTX, cho biết năm 1990, ông nhận thấy việc đi lại, vận chuyển hàng hóa ở Tuyên Quang còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, do ngành giao thông, vận tải ở đây chưa phát triển, trong khi, nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của người dân khá lớn.
Bên cạnh đó, một số khu vực trên địa bàn thị xã Tuyên Quang (nay là Tp.Tuyên Quang) và một số xã trên địa bàn huyện Yên Sơn, đặc biệt là các khu vực họp chợ số lượng rác thải lớn nhưng chưa có đơn vị nào làm nhiệm vụ vệ sinh.
Vì vậy, ông Hoạch quyết định thành lập HTX Vận tải số 6 (Đến năm 2002 đổi tên thành HTX Vận tải và Dịch vụ môi trường Thanh Bình) với 2 ngành nghề kinh doanh chính là vận tải và vệ sinh môi trường.
“Để nâng cao năng lực của HTX, tôi đã tuyên truyền, vận động những gia đình có phương tiện vận tải, nhân lực lao động nhưng chưa có việc làm ổn định gia nhập HTX để cùng làm ăn”, ông Hoạch tâm sự.
Giai đoạn đầu, hoạt động của HTX rất khó khăn. Các thành viên vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, từng bước đưa HTX phát triển. Trải qua hơn 20 năm, đến nay, HTX đang có 1 máy tái chế nhựa phế thải, 1 máy giặt bao tải, 1 máy xeo giấy, 15 xe ôtô.
Các ngành nghề kinh doanh của HTX đã đa dạng hơn, gồm: Thu gom rác, tái chế nhựa phế thải, tái chế giấy phế thải thành giấy bìa cát tông, trồng cây xanh, cây cảnh, dịch vụ vận tải hàng hóa trong và ngoài tỉnh…
Xưởng sản xuất nhựa tái chế của HTX |
Thương hiệu dẫn đầu
HTX hiện đảm nhiệm làm dịch vụ môi trường tại các xã An Tường, An Khang, Lưỡng Vượng, Đội Cấn, Thái Long, phường Hưng Thành (Tp.Tuyên Quang) và các xã Đội Bình, Kim Phú, Phú Lâm, Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn).
Hàng ngày, 4 ôtô chuyên dụng của HTX chở hơn 30 tấn rác về lò đốt công nghệ cao của HTX để phân loại tiêu hủy, bảo đảm vệ sinh môi trường. Năm 2013, HTX đầu tư lắp đặt dây chuyền tái chế nhựa, mỗi tháng sản xuất được trên 100 tấn hạt nhựa bán lại cho doanh nghiệp. Đầu tư thêm hai dây chuyền giặt bao tải, công suất 2.400 bao tải/ ngày và dây chuyền sản xuất giấy từ phế liệu, công suất 1 tấn bột giấy/ngày.
Không chỉ nỗ lực trong sản xuất kinh doanh, HTX còn tích cực tham gia các hoạt động phúc lợi xã hội. Từ năm 2011 đến nay, HTX đã ủng hộ quỹ Vì người nghèo và các hoạt động khác hơn 500 triệu đồng, đóng góp 450 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn, 46 triệu đồng làm nhà tình nghĩa...
UBND tỉnh, UBND Tp.Tuyên Quang và UBND huyện Yên Sơn đã trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen cho HTX vì thành tích hoạt động xuất sắc. Đặc biệt, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tặng Cúp Công nghệ xanh cho HTX năm 2014.
Năm 2015, HTX đã vinh dự được nhận Cúp Doanh nhân - Doanh nghiệp phát triển bền vững với thiên nhiên môi trường và Cúp Doanh nghiệp đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh của Bộ TN&MT.
Đây cũng là HTX vinh dự được bình chọn là một trong 10 doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang và là đơn vị duy nhất ở Tuyên Quang lọt vào top 50 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam trong lĩnh vực vệ sinh môi trường.
Hà Xuyên