HTX Thân Trường thành lập năm 2014 theo Luật HTX năm 2012, gồm 7 thành viên, tổng vốn điều lệ ban đầu là 1,9 tỷ đồng (đến nay đạt 9 tỷ đồng). Đến nay, hoạt động của HTX đã đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả trên lĩnh vực sản xuất.
Từng bước nâng cao hiệu quả
Khi mới thành lập, HTX đã xác định: Muốn phát triển nghề phải thực hiện mô hình liên kết theo phương thức “bốn nhà liên kết là một”, để xây dựng thương hiệu, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
HTX đã xây dựng quy trình liên kết sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn chè sạch. Đồng thời, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như: Trụ sở, nhà kho, nhà xưởng trên diện tích 800 m2 tại bản Ven (xã Xuân Lương) và mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động.
HTX đã liên kết với các hộ dân tại các bản Ven, Đồng Gián, Thượng Đồng, Xoan, Nghè (xã Xuân Lương) để vừa mở rộng mạng lưới sản xuất, vừa từng bước đưa sản xuất và chế biến chè truyền thống trở thành mặt hàng chè thương mại trên thị trường, từng bước nâng cao chất lượng, thu nhập cho các hộ dân và phát triển thương hiệu “Chè xanh bản Ven” theo hướng bền vững.
![]() |
Xã Xuân Lương đổi mới từ khi có cây chè
Quan điểm nông dân có đất và chè, đơn vị có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, dây chuyền chế biến và lo đầu ra cho sản phẩm đã giúp mối liên kết giữa người dân và HTX ngày càng bền chặt, hiệu quả. Các hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật tiên tiến sản xuất 15 ha chè, sau đó bán sản phẩm cho HTX.
Anh Phan Tuấn Anh - Phó Giám đốc HTX, cho biết: Thực hiện mô hình HTX kiểu mới, do sản xuất theo hình thức tập thể nên tất cả các chi phí từ dịch vụ đầu vào đến công lao động, vận chuyển đều giảm đáng kể, từ đó giá thành sản phẩm cũng giảm, thu hút được các doanh nghiệp đến thu mua. Hơn nữa, người dân khi tham gia vào HTX được tập huấn KH-KT, HTX đứng ra bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ giống, phân bón, tìm đầu ra cho sản phẩm nên họ rất phấn khởi tham gia.
Thay đổi môi trường sản suất
HTX chú trọng khâu chế biến, không ngừng nâng chất lượng sản phẩm khi xây dựng được 150 đại lý, cửa hàng bán, giới thiệu sản phẩm khắp cả nước.
Mỗi năm, HTX chế biến, tiêu thụ hơn 10 tấn chè khô thu lợi nhuận cao, hộ dân chủ động đầu tư, yên tâm sản xuất, gắn bó với cây chè.
Ông Hoàn Xuân Hùng- thành viên HTX, cho biết khi tham gia HTX, gia đình ông tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGAP từ trồng đến thu hoạch, chế biến, đóng gói, nên sản phẩm của gia đình ông luôn được bán với giá cao hơn giá thị trường 5 - 10%.
Trước đây, khi canh tác và sản xuất chè theo phương thức cổ truyền, năng suất chè không cao. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học chưa hợp lý đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng chè thành phẩm, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân trực tiếp sản xuất.
Nếu như trước đây, người dân tự ý phun thuốc, tự ý thu hái thì hiện nay, việc dùng thuốc gì, chăm bón như thế nào, thời gian cách ly trước thu hái đều phải theo đúng quy trình.
Mô hình liên kết sản xuất chè xanh bản Ven đã giúp người dân từng bước thay đổi phương thức sản xuất, chế biến chè khô truyền thống trở thành sản phẩm chè mang tính đặc trưng vùng miền, bảo đảm chất lượng, an toàn khi sử dụng.
Không chỉ nâng cao lợi nhuận và đóng góp vào ngân sách địa phương, HTX đã gắn lợi ích giữa HTX với lợi ích của các hộ thành viên, từng bước mở rộng vùng liên kết, tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa, gắn kết người dân với HTX và các DN tiêu thụ sản phẩm.
Như Yến