Việc phát triển các mô hình tổ hợp tác, HTX tạo việc làm cho nhiều lao động, kinh tế tập thể ngày càng thể hiện rõ vai trò trong phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết công ăn việc làm cho thành viên HTX và người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ổn định cuộc sống nhờ nghề mây tre đan
Người dân tại làng Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền đã và đang có công ăn việc làm ổn định, từng bước giảm nghèo bền vững nhờ tạo ra nhiều sản phẩm mây tre đan từ cây tre vốn thân thiện với môi trường. Nhiều mặt hàng không chỉ phục vụ cuộc sống hàng ngày cho thị trường trong nước mà đã vươn rộng ra thế giới.
Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX mây tre đan Bao La cho biết, sau nhiều năm phát triển, hiện HTX mây tre đan Bao La có hơn 500 mẫu mã khác nhau được các nghệ nhân “chân đất” tạo ra và hàng năm phát triển thêm nhiều mẫu mới giá trị hơn và phù hợp với thị trường.
HTX trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhờ đó đã giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo. |
Doanh thu mỗi năm của HTX hơn 5 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng riêng hàng xuất khẩu doanh thu khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, hàng ngày tại đây còn bán hàng cho khách du lịch, người dân. Qua đó, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 150 lao động tại địa phương, với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/tháng, tạo sinh kế cho người dân, đời sống bà con được nâng lên, từng bước thoát nghèo.
Chị Lê Thị Thúy, thành viên HTX chia sẻ: "Tôi tham gia HTX cũng trên 5 năm rồi. Ngày xưa gia đình khó khăn, đi bán vé số. Sau đó tôi xin vào đây để học nghề và gắn bó đến nay. Ở đây thu nhập ổn định, có tiền để cho con cái ăn học, không còn vất vả như trước. Tôi cũng muốn con cháu yêu nghề và có hướng đi mới cho nghề để phát triển hơn|".
Để không ngừng phát triển, HTX được các cấp hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày, nhà xưởng, nhà kho. Bên cạnh đó, thời gian qua HTX tiếp tục đầu tư, cải tạo và xây dựng các mô hình, trồng cây cảnh quan để tổ chức liên kết với các tour tuyến du lịch và tổ chức sản xuất tốt hơn nhằm nâng cao đời sống cho các thành viên và thu hút thêm lực lượng lao động trẻ tiếp nối nguồn nhân lực cho HTX.
“Thời gian tới, HTX tiếp tục cải tạo, chỉnh trang khuôn viên cơ sở sản xuất để từng bước đưa vào khai thác dịch vụ du lịch và tham quan trải nghiệm tại cơ sở, đào tạo cán bộ và hướng dẫn viên, người lao động trong HTX cách tiếp đón khách tham quan. Tiếp tục vận động lực lượng bên ngoài vào tham gia sản xuất tại HTX, thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề để phát triển thêm nguồn nhân lực có tay nghề cao, nâng mức thu nhập cho người lao động”, ông Võ Văn Dinh khẳng định.
Truyền nghề giúp đồng bào thoát nghèo
Tại huyện A Lưới, chị Hoàng Thị Kén, Giám đốc HTX sản xuất chổi đót và gia công mỹ nghệ Hoàng Thiện tại xã A Ngo chia sẻ, nhờ HTX mà hàng ngàn phụ nữ người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu ở vùng ngàn Trường Sơn đã có thu nhập ổn định.
Như bao phụ nữ khác tại địa phương, bà Kăn Thơm, xã A Ngo cũng đến HTX Hoàng Thiện nhận hàng về nhà gia công và rất vui với công việc của mình: “Người ta làm phụ chứ với tôi đây là công việc chính. Mùa cao điểm, mỗi ngày kiếm được hơn 100.000 đồng. Đây là nguồn thu nhập đáng kể của một người cao tuổi như tôi”.
Hơn 20 năm thăng trầm theo nghề chổi đót, theo chị Hoàng Thị Kén, làm chổi cần sự tỉ mỉ, siêng năng. Một cây chổi làm ra phải đẹp và bền mới đáp ứng nhu cầu khách hàng. Để hoàn tất những đơn hàng lớn, bà phân chia nhiều công đoạn, người giỏi việc nào sẽ đảm nhận công việc đó, nhờ vậy mà năng suất và chất lượng mới đảm bảo, sản phẩm giao đúng hẹn. Như chị Quyên, mỗi ngày làm 30-50 lọn đót đều đặn, chổi nhìn đều răm rắp khiến khách hàng hài lòng.
Từ khi thành lập HTX Hoàng Thiện đến nay, chị Hoàng Thị Kén còn thường xuyên được Trung tâm Dạy nghề huyện A Lưới mời đến dạy các nghề thủ công cho hàng ngàn phụ nữ dân tộc tại các xã trong huyện, giúp họ biết tận dụng nguồn nguyên liệu phong phú của núi rừng để phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập cho cuộc sống gia đình. Nhiều học viên sau khi được dạy nghề đã nhận nguyên liệu của HTX về gia công và nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ làm chổi đót.
HTX là chỗ dựa làm đòn bẩy để phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập cho hộ nông dân. |
Không chỉ làm đót, chị Kén còn sáng tạo ra những mẫu mã từ nghề đan lát làng quê, trồng nấm bào ngư… để tăng thêm thu nhập, tạo thêm việc làm cho nhiều người.
Giải quyết việc làm “mở cánh cửa” giảm nghèo
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên-Huế đang phấn đấu, năm 2023 kết nối giải quyết việc làm cho trên 17.000 lao động, trong đó, giải quyết việc làm cho 12.500 lao động thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế đặt mục tiêu giải quyết việc làm giai đoạn 2021 - 2025 cho 83.400 lao động. Tạo việc làm mới cho 61.400 lao động. Hỗ trợ tạo việc làm cho 12.000 lao động thông qua các dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, để giải quyết việc làm gắn với xóa đói, giảm nghèo thì việc xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực trên địa bàn tỉnh cần được đẩy mạnh. Các HTX đang bước đầu liên kết với các đơn vị khác đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để giải quyết đầu ra sản phẩm cho bà con. Nhiều HTX bước đầu tìm kiếm được thị trường đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, tránh được tình trạng tư thương ép giá, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho bà con địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nông thôn.
Ngoài tổ chức sản xuất, HTX còn tham gia công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Từ đó, vai trò, vị trí của HTX ngày càng được nâng lên. Mối quan hệ giữa hộ thành viên và HTX ngày càng gắn bó, xem HTX là chỗ dựa làm 'đòn bẩy' để phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập cho hộ nông dân bình quân từ 18 triệu đồng vào năm 2010 tăng lên đến nay hơn 60 triệu đồng.
Hoàng Hằng