HTX thành lập năm 2017 với 53 thành viên (13 thành viên chính thức và 40 thành viên liên kết). HTX có 450 ha diện tích sản xuất, trong đó có 300 ha trồng mía, 150 ha trồng các loại cây ngắn ngày khác như hoa màu, mì, đậu...
Vượt qua khó khăn
HTX cung ứng dịch vụ đầu vào như giống, phân bón, làm đất, hướng dẫn sản xuất, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu toàn bộ sản lượng mía cho thành viên. Để làm được điều đó, HTX đã liên kết với công ty TNHH Thành Thành Công Gia Lai để bao tiêu 100% sản lượng mía cho thành viên với giá thành hợp lý.
Bà Lê Thị Quỳnh Trang - Giám đốc HTX, chia sẻ “Huyện Ia Pa có đất đai, khí hậu phù hợp với trồng mía, bà con nông dân có kinh nghiệm sản xuất mía lâu năm. Vài năm trở lại đây, ngành mía đường của Việt Nam gặp nhiều khó khăn nên công ty thu mua giá thấp, lợi nhuận sản xuất không cao. Tuy nhiên, nhờ HTX đưa cơ giới vào sản xuất nên tăng năng suất cây trồng, chi phí sản xuất giảm do đó người sản xuất mía vẫn có lãi”.
HTX giúp người trồng mía vượt qua khó khăn |
Bên cạnh đó,HTX cũng cùng doanh nghiệp hỗ trợ người dân chuyển đổi, thay mới bằng các các giống mía chất lượng cao, ngắn ngày (giống Thái Lan) như KK3, LK921, không để người nông dân “tự bơi” để tìm kiếm giống.
Người trồng mía cũng được HTX và doanh nghiệp đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tương đương 30 triệu đồng/ha trồng mới, 15 triệu đồng/ha lưu gốc, hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi giếng khoan tưới 5 ha mía và nhiều ưu đãi khác để người trồng mía yên tâm sản xuất giữ vững vùng nguyên liệu.
Đặc biệt việc đẩy mạnh cơ giới hóa vào việc trồng, chăm sóc và thu hoạch đã giúp giảm thiểu ngày công lao động, từ đó, tăng lợi thế cạnh tranh của HTX và doanh nghiệp.
Bà Trần Thị Tám, thành viên HTX, cho biết, gia đình có 3 ha đất trồng mía tham gia vào mô hình dồn điền đổi thửa cùng các thành viên và được. Gia đình bà chỉ việc phối hợp với HTX để chăm sóc vùng mía nguyên liệu. Trước đây, với việc tự chăm sóc năng suất mía của gia đình chỉ đạt 60- 65 tấn/ha, nhưng những năm gần đây, năng suất đã lên 85 tấn/ha, trừ chi phí gia đình thu lãi hơn 10 triệu đồng/ha.
Mở rộng sản xuất
Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất chuỗi giá trị cây mía, HTX Nông nghiệp Tân Tiến đã tiến hành sản xuất 10 ha dược liệu và các loại cây ăn quả như ổi, cam, quýt, dứa... để từng bước thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm bớt sự phụ thuộc vào cây mía.
Đồng thời, HTX phối hợp với các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh.Theo Ban giám đốc HTX, số lượng các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn rất lớn, trong đó, nguồn phân, chất thải từ các mô hình chăn nuôi này hầu như là chưa được xử lý. Chính vì vậy, HTX đã liên kết với các trang trại, hộ chăn nuôi này để mua phân về làm phân hữu cơ.
Nguồn chất thải chăn nuôi sau khi được thu mua được HTX kết hợp cùng phụ phẩm nông nghiệp (lá mía, cây đậu, bắp, rau màu...), ủ hoai thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Việc HTX sản xuất phân hữu cơ không chỉ góp phần xử lý chất thải từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, từ đó giải quyết được vấn đề môi trường, vừa tăng lượng phân bón hữu cơ sử dụng phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất.
Điều đặc biệt là khu vực sản xuất của HTX được đầu tư khoa học. Bãi tập kết hàng ngày đi thu mua phân của các trang trại heo và gà ở khu vực xung quanh đem về được xếp trong khu vực nhà khép kín, được che đậy khoa học nên không bốc mùi hôi thối nồng nặc. Tuy sản xuất phân từ chất thải như không gây ô nhiễm môi trường nêu trên, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sinh sống gần đó.
Đến nay, HTX được Trung tâm KHCN&MT tư vấn, định hướng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất để bảo đảm hiệu quả và môi trường.
Huyền Trang