HTX xoài Tân Thuận Tây có 120 thành viên, tổng nguồn vốn hoạt động trên 200 triệu đồng. Đây là HTX chuyên ngành xoài thứ hai trong tỉnh và là một trong 16 HTX được tỉnh Đồng Tháp định hướng phát triển thành HTX tiên tiến gắn với vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu nông sản từ năm 2015.
Mục tiêu HTX hướng đến trong thời gian tới là nâng cao năng suất, chất lượng và uy tín của sản phẩm xoài Cao Lãnh theo định hướng tái cơ cấu nông nghiệp của TP Cao Lãnh và của tỉnh Đồng Tháp. Qua đó, giúp nông dân đa dạng hình thức sản xuất, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Nắm chắc quy trình kỹ thuật
Xoài cát chu vốn nổi tiếng ở Cao Lãnh bởi mùi vị đặc trưng. Tuy nhiên, một thời xoài bị côn trùng tấn công khiến sản phẩm của người dân làm ra không thể ăn được. Để bảo vệ thành quả lao động, nông dân đã phun xịt thuốc bảo vệ thực vật hóa học gấp nhiều lần để tiêu diệt ruồi đục trái. Song, đây cũng là nguyên nhân chính khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề và người tiêu dùng có "ác cảm" với quả xoài cát chu vì cho rằng quả xoài nguyên lành cũng đồng nghĩa với việc sản phẩm đã nhiều lần được “tắm” trong thuốc hóa học.
Làm thế nào để đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương đến được khắp các vùng miền trong cả nước và xuất khẩu cũng như cải thiện những khó khăn người nông dân từng gặp phải? Những người đứng đầu HTX nhận ra rằng, ngoài kinh nghiệm, cần phải đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư sản xuất có chứng nhận.
Theo ông Lê Thanh Tùng, thành viên HTX, việc dùng phân hóa học bón cho xoài đã được ông duy trì suốt 20 năm. Tuy nhiên, từ khi vào HTX, ông đổi 1,2 ha sang trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Sử dụng phân bón hóa học giúp cây phát triển nhanh nhưng đồng nghĩa với việc sản phẩm không an toàn, thị trường tiêu thụ khó khăn và đặc biệt là ô nhiễm môi trường, đất đai cằn cỗi.
![]() |
Sử dụng túi chuyên dụng giúp người dân hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật. |
Từ khi áp dụng sản xuất theo quy trình GlobalGAP, ông Tùng đã chuyển sang dùng phân, thuốc sinh học, hữu cơ kết hợp với bao trái bằng túi chuyên dụng. Cách làm này đã giúp ông thành công ngay từ năm đầu tiên. Nhờ sự hỗ trợ liên kết giữa HTX với doanh nghiệp, xoài được thu mua xuất sang Nhật Bản từ đó đến nay.
“Nếu người dân nào cũng sản xuất theo hướng sạch thì môi trường sẽ trong lành hơn, cuộc sống và sức khỏe cũng ổn định”, ông Tùng chia sẻ.
Sự thay đổi trong tư duy của ông Tùng cũng là sự chuyển biến trong nhận thức của các thành viên HTX Tân Thuận Tây. Thông qua các buổi họp bàn hàng tuần, hàng tháng, các thành viên được cập nhật kiến thức sản xuất, hiểu mối liên kiết giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp và cần phải sản xuất sạch để đáp ứng thị trường.
Năm 2018, sản phẩm của HTX được công nhận VietGAP. Đến nay, một số thành viên đã nâng 45ha lên chuẩn GlobalGAP.
Khi vào HTX, phong trào "giảm phân, thuốc hóa học" ngày càng được các thành viên áp dụng hiệu quả. Những hộ trồng xoài VietGAP tuân thủ nguyên tắc sử dụng phân, thuốc “4 đúng”, hộ sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP thì chuyển sang dùng phân hữu cơ, thuốc sinh học.
Theo Ban giám đốc HTX, chỉ riêng áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP cũng giúp mỗi hộ giảm 40 - 50% lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật. Năm đầu tiên, năng suất mỗi vườn sẽ giảm 10 - 15% nhưng bù lại chất lượng xoài được nâng cao, tạo được niềm tin với doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Khẳng định vị thế
Xoài của thành viên lúc nào cũng được tiêu thụ với giá cao hơn thị trường bên ngoài từ 2 - 3 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, để được HTX bao tiêu thì bà con phải đáp ứng đúng các tiêu chuẩn canh tác đã ký kết.
Ông Nguyễn Văn Chì, Giám đốc HTX xoài Tân Thuận Tây chia sẻ, đã có thời điểm thị trường dội hàng nhưng xoài của HTX luôn được ưu tiên. Sản xuất sạch chính là giải pháp nâng vị thế nông sản lên cao hơn và cũng là nền tảng để khẳng định uy tín nông sản của người dân trên thị trường.
“Hiện nay và trong tương lai gần, nếu không sản xuất sạch thì thị trường nội địa cũng sẽ rất khó bán chứ đừng nghĩ đến chuyện xa hơn là xuất khẩu”, Giám đốc Nguyễn Văn Chì thẳng thắn chia sẻ.
![]() |
Sản xuất sạch giúp nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường. |
Liên kết theo mô hình HTX, người dân sẽ được HTX, doanh nghiệp và ngành nông nghiệp hỗ trợ. Tiêu biểu như đến nay, HTX đã được Viện Nông nghiệp miền Nam hỗ trợ phân vi sinh, túi bao trái chuyên dụng. Bên cạnh đó, nguồn vốn vay từ quỹ hỗ trợ nông dân đã giúp 17 thành viên có điều kiện khó khăn chuyển đổi sản xuất với số vốn hàng tỷ đồng. Hiện, các thành viên đã đầu tư hệ thống nước tưới về tận vườn, không còn phải vận chuyển từng can nước xa hàng chục cây số khi bị nhiễm mặn.
Năm 2019, với 1 tỷ đồng tiền vốn được thu hồi, HTX tiếp tục cho các thành viên vay để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, theo Ban giám đốc HTX, với quy mô 120 thành viên, nguồn vốn này vẫn còn ít, nhất là khi HTX đang tiếp tục chuyển đổi sản xuất theo hướng GlobalGAP và mở rộng diện tích. Chính vì vậy, HTX rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cấp ngành, doanh nghiệp để thuận lợi hơn cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm.
Huyền Trang