Hoạt động hiệu quả của HTX Căn Cứ là một trong những nhân tố giúp huyện Vĩnh Thuận từ một vùng đất nghèo, đồng chua nước mặn, nổi lên như một trong những địa phương nuôi tôm càng xanh quy mô lớn nhất nhì vùng bán đảo Cà Mau.
Ngọt hóa cánh đồng chua
Ông Nguyễn Văn Dậu - Giám đốc, cho biết: “Vĩnh Thuận hiện có khoảng 23.000 ha đất luân canh lúa - tôm, trong đó, khoảng 80% diện tích nuôi xen canh tôm thẻ với tôm càng xanh. Hàng năm, Vĩnh Thuận cho ra sản lượng tôm khoảng 13.000 tấn”.
Để có được thành quả hiện tại, HTX cùng các hộ nuôi tôm ở Vĩnh Thuận đã trải qua vô vàn khó khăn. Học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm tại Cà Mau và Bạc Liêu, các hộ nông dân Vĩnh Thuận bắt đầu chuyển đổi những cánh đồng ngập mặn thành những ao nuôi tôm, tuy nhiên, do chưa nắm vững kỹ thuật, lại quá vội vàng, đã dẫn tới thua lỗ.
Sau nhiều lần thất bại, HTX chủ động tìm gặp kỹ sư nông nghiệp để hỏi về KH-KT. Được sự giúp đỡ của chuyên gia, HTX cùng các hộ nuôi tôm bắt đầu xử lý ao nuôi bằng vôi để rửa phèn, điều tiết độ mặn… Kết quả, từng cánh đồng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, dần dần được cải tạo, trở thành những ruộng tôm.
Nhờ chất lượng cao, giá tôm càng xanh Vĩnh Thuận luôn ở mức cao, dao động ở mức bình quân khoảng 105.000 đồng/kg (tôm thẻ) và 130.000 - 150.000 đồng (tôm càng xanh), đem lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi.
Không chỉ có tôm càng xanh, Vĩnh Thuận còn có lúa. Giám đốc Nguyễn Văn Dậu cho biết quá trình xử lý phèn, mặn trên đất hoang để nuôi tôm đã vô tình tạo ra điều kiện tốt cho cây lúa sinh trưởng và cho năng suất cao.
Với nuôi tôm, thành viên, người lao động của HTX được hướng dẫn quy trình nuôi an toàn |
Sản xuất an toàn
Dù trồng lúa hay nuôi tôm, HTX cùng người nông dân Vĩnh Thuận luôn xác định để phát triển bền vững phải sử dụng phương thức sản xuất sạch, an toàn.
Với nuôi tôm, thành viên, người lao động của HTX được hướng dẫn quy trình nuôi an toàn. Cụ thể, các hộ được hỗ trợ cải tạo ao nuôi, chuẩn bị hệ thống quạt nước, xử lý nước và thay nước; cách chọn giống, thả giống, quy trình chăm sóc và quản lý môi trường ao nuôi.
Với sản xuất lúa, mô hình lúa hữu cơ đang được nhân rộng, áp dụng phương thức sản xuất sạch, không phụ thuộc vào phân bón hóa học và các loại thuốc trừ sâu độc hại khác.
Quy trình sản xuất sạch không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn mang lại môi trường làm việc an toàn, trong lành cho thành viên, người lao động HTX và các hộ nông dân tại Vĩnh Thuận.
“Quy trình thả nuôi, thu hoạch, sơ chế đều phải bảo đảm đúng tiêu chí theo hướng xanh, sạch, an toàn để ổn định chất lượng. Mục tiêu của HTX nói riêng và của toàn huyện nói chung là tiến tới xây dựng thương hiệu “tôm càng xanh Vĩnh Thuận”, đưa đặc sản này vươn rộng ra nhiều thị trường khác”, Giám đốc Nguyễn Văn Dậu nhấn mạnh.
Hưng Nguyên