Người dân không lo lắng đầu ra vì có HTX đứng ra thu mua ớt |
Cánh đồng ớt ở xã Lâm Sơn rộng 15 ha do 40 hộ dân liên kết sản xuất đã không lo vấn đề đầu ra vì đã có HTX Tầm Ngân đứng ra thu mua. Tình trạng người trồng ớt không muốn thu hoạch để ớt chín rụng đầy đồng đã không còn xảy ra trong những năm gần đây.
Ổn định đầu ra nhờ trồng ớt hữu cơ
Mục đích sản xuất theo hướng làm chủ công nghệ cao, tự duy trì để phát triển, từ đó, HTX không phát triển nhiều lĩnh vực mà tập trung chuyên sâu vào sản xuất ớt để chế biến và xuất khẩu.
Từ việc tích cực hỗ trợ chuyển giao ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, HTX đã làm tốt vai trò trung gian liên kết nông dân dồn điền đổi thửa để sản xuất ớt theo mô hình cánh đồng lớn.
Trong quá trình sản xuất, một mặt, HTX dùng màng phủ tạo độ ẩm nuôi vi sinh, mặt khác mua phân bò của bà con nuôi trong vùng ủ làm phân hữu cơ kết hợp với bón phân vi sinh để bón cho cây. “HTX tuyệt đối không dùng phân hóa học vì dùng phân vi sinh rất hiệu quả. Cây ớt ít bị bệnh và cho năng suất cao hơn so với bón phân hóa học”-ông Dà Droách Ha Khiết, Giám đốc HTX, cho biết.
Khi liên kết với doanh nghiệp, đơn vị thu mua ớt của HTX đặt vấn đề bao tiêu ớt cho HTX nhưng ớt phải được trồng theo hướng hữu cơ. Chính vì vậy, nếu bà con thành viên tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất ớt hữu cơ, sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu thì sẽ có đầu ra ổn định, giá cao.
Ông Nguyễn Văn Vũ-thành viên HTX, cho biết có nhiều vụ, ớt đạt năng suất cao, nhưng giá quá thấp nên khó bán, thậm chí lỗ nặng nhưng từ khi HTX Tầm Ngân ra đời, người dân chúng tôi không còn lo về giá cả bấp bênh, hoặc ớt không tiêu thụ được vì đã có HTX đứng ra thu mua sản phẩm.
Sản xuất khép kín
Hiện nay, ớt được HTX thu mua và xuất bán cho tập đoàn CJ (Nhật Bản). Không chỉ đứng ra thu mua ớt cho các thành viên và nông dân để xuất khẩu, HTX còn chủ động xây dựng nhà máy sơ chế ớt bột, tương ớt.
Nhà xưởng của HTX rộng gần 700m2, công suất lên đến 200 tấn ớt tươi/năm, tương đương 50 tấn ớt khô phục vụ xuất khẩu.
Để chủ động sản xuất, HTX đã đề xuất với chính quyền địa phương rà soát những vùng đất trồng lúa hiệu quả thấp, không chủ động nước tưới chuyển sang trồng ớt nhằm mở rộng diện tích, đáp ứng nhu cầu ớt nguyên liệu để sản xuất ớt bột, tương ớt xuất khẩu.
Các sản phẩm ớt sau sơ chế của HTX khá đa dạng và phong phú, được kiểm soát về chất lượng nên đầu ra rộng mở.
Chú trọng đầu tư khâu chế biến đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm cây ớt, hình thành chuỗi giá trị ổn định từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Trong điều kiện khó khăn về thị trường tiêu thụ nông sản, việc HTX xây dựng và đưa vào vận hành xưởng sơ chế ớt đã góp phần thúc đẩy, mở rộng vùng sản xuất; tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Phương thức hoạt động của HTX đã đề cao lợi ích của các thành viên và nông dân, giúp họ thấy rằng chỉ khi tham gia và liên kết với HTX, họ sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất. Những khó khăn khi sản xuất đơn lẻ cũng được giải quyết. Chính vì vậy, từ 10 thành viên ban đầu, số lượng người đăng kí tham gia HTX tăng lên từng năm và lần lượt là 19, 32 và hiện tại là 40 người.
Với quy trình sản xuất khép kín từ khâu canh tác, thu hoạch, sơ chế đến tiêu thụ đã giúp đầu ra của HTX ngày rộng mở, mang lại lợi ích hài hòa giữa HTX và người dân. Hoạt động của HTX đã góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường tại địa phương nhờ sản xuất khoa học.
“Trong quá trình chế biến, HTX đã tiếp nhận công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến ớt công nghệ cao của Hàn Quốc nên vấn đề môi trường được giải quyết triệt để. Sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng và được xuất bán trong và ngoài nước”- Giám đốc HTX nói.
Như Yến