Ông Phan Công Chính - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Bình, cho biết là HTX toàn xã nên Tân Bình tập trung vào những hoạt động phục vụ sản xuất của thành viên, như: Tưới tiêu, làm đất, phân bón và thuốc BVTV, hỗ trợ vốn sản xuất, cắt gặt liên hợp, làm giống lúa và cây con, nước sinh hoạt nông thôn, phơi sấy và tồn trữ nông sản phẩm.
Làm tốt vai trò “bà đỡ”
Để hoạt động sản xuất của thành viên đạt hiệu quả cao, HTX thường xuyên tu sửa hệ thống đê bao, cống đập, kênh mương thủy lợi nội đồng; đầu tư xây dựng trạm bơm điện với công suất lớn và hiện đại.
Hiện HTX có 12 trạm bơm phục vụ tưới tiêu cho các thành viên và nông dân với 3 vụ lúa/ năm. HTX đã xây dựng kênh, mương thủy lợi nội đồng bằng bê tông dài 6.517m.
Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư máy móc phục vụ hoạt động sản xuất và làm dịch vụ như: Máy Kobe để nạo vét kênh mương, máy cày để phục vụ cày xới đất tập trung đồng loạt và máy laser làm phẳng đồng ruộng và máy cấy. Ngoài ra, còn có máy gặt đập liên hợp, máy kéo...
Hoạt động tín dụng nội bộ đã giải quyết vấn đề vốn sản xuất cho các thành viên. Đến cuối năm 2017, doanh số HTX cho vay từ hoạt động tín dụng nội bộ là 1.600 triệu đồng.
Nhận thấy tầm quan trọng của cây giống, HTX đã thành lập câu lạc bộ sản xuất và tiêu thụ lúa giống. Diện tích sản xuất lúa giống của HTX là 18 ha, mục đích cung cấp nguồn lúa giống chất lượng cho các thành viên.
Bên cạnh sản xuất lúa, HTX còn mở rộng sang sản xuất cây hoa màu nhằm tận dụng đất sản xuất và nâng cao thu nhập. Đặc biệt, HTX đã đầu tư nhà lưới để sản xuất bảo đảm sạch, chất lượng. Hiện nay, HTX đang tập trung phát triển cây ớt giống và tiếp tục mở rộng diện tích nhà lưới để phục vụ nhu cầu cây giống của người dân.
Nhờ làm tốt vai trò hỗ trợ và điều hành theo phương thức tập trung dân chủ, HTX luôn được các thành viên tín nhiệm. Mối đoàn kết gắn bó và vai trò ban kiểm soát được phát huy.
Theo ông Lê Thành Ân - thành viên HTX, nhờ HTX đứng ra thu mua tại ruộng rồi đem về phơi sấy và liên hệ tiêu thụ nên vấn đề tồn kho đã được giải quyết. Chất lượng nông sản nhờ đó cũng được nâng cao.
Dịch vụ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập của HTX |
Phát triển bền vững
HTX luôn chủ động trong sản xuất và nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm sạch, an toàn, không chứa dư lượng thuốc BVTV. Qua đó, HTX liên kết với Sở KH&CN tỉnh lập nhiều đề tài nghiên cứu mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
Hiện nay, HTX đang có 10 ha sản xuất lúa không sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV, thay vào đó là phân hữu cơ và thuốc sinh học nhằm tạo ra sản phẩm gạo sạch, an toàn cho người tiêu dùng, sản xuất thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, HTX còn mở rộng hoạt động sang cung cấp nước sinh hoạt nông thôn. Hiện HTX đang quản lý và khai thác trạm cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Tân Bình với công suất 80 m3/h để phục vụ cho các hộ dân trong xã.
HTX đã hỗ trợ cho người dân kinh phí lắp đặt đồng hồ đo nước bảo đảm quy định, đồng thời đầu tư hệ thống, thiết bị quản lý giám sát chất lượng nước: Thiết bị giám sát chất lượng nước đầu vào, đầu ra với 4 chỉ tiêu chính (độ đục, Clo dư, độ PH, độ dẫn điện).
Đến nay, HTX dẫn được 21.000 m đường ống và có 1.640 hộ gắn đồng hồ nước sử dụng dịch vụ của HTX.
Để có được kết quả như trên, bên cạnh sự đoàn kết, nhất là sự phối hợp trong công tác tuyên truyền về lợi ích của mô hình sản xuất sạch, bền vững còn là sự nỗ lực vượt khó của HTX.
Việc lấy mục đích tương trợ, hỗ trợ thành viên làm mục tiêu phát triển, xem thành viên vừa là chủ, vừa là khách để thực hiện đã phát huy được vai trò chủ thể của các thành viên trong sản xuất bền vững.
Như Yến