HTX Sử Anh được thành lập năm 2017, với 7 hộ thành viên và 10 lao động địa phương. Sau hơn 2 năm phát triển, HTX đã nâng diện tích sản xuất lên hơn 30 ha, tổng số lao động tăng lên 50 người.
Phát huy thế mạnh
Anh Nguyễn Công Sử - Giám đốc HTX, cho biết: “HTX Sử Anh được thành lập trước bối cảnh cây chè truyền thống của địa phương lâm vào thế khó, giá trị liên tục giảm, người trồng chè đứng trước nguy cơ phải chặt bỏ vườn cây”.
Năm 2017, HTX được thành lập. Cán bộ HTX đến từng hộ trồng chè để ký hợp đồng liên kết sản xuất và cam kết sẽ thu mua giá 33.000 đồng/kg nếu người dân bảo đảm quy trình chăm sóc sạch, thu hái thủ công và phải “1 tôm 2 lá”.
Được hỗ trợ, các hộ liên kết với HTX đã chuyển đổi diện tích chè cũ bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao như chè Ngọc Thúy, chè Bát Tiên, chè LDP1; sản lượng trung bình đạt 125 tấn nguyên liệu/năm.
Các tiêu chuẩn VietGAP được thành viên và hộ liên kết của HTX áp dụng, nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp) cũng được triển khai với quy định nghiêm ngặt.
Gắn bó với HTX đã 2 năm, chị Hoàng Thị Mai (xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn) chia sẻ: “Trước khi vào HTX, người trồng chè thường chạy theo số lượng, bỏ qua chất lượng, nên dù năng suất đạt 80 tấn/ha, nhưng giá bán chỉ 10.000 -15.000 đồng/kg khiến tổng giá trị thu về chỉ đạt khoảng 100 triệu đồng/ha”.
Vào HTX, áp dụng sản xuất VietGAP, năng suất cây chè giảm 30 - 35%, tuy nhiên, giá bán ổn định ở mức 30.000 - 35.000 đồng/kg, vì vâỵ, giá trị thu về đạt trên 120 triệu đồng/ha, việc làm chè cũng đỡ vất vả, an toàn hơn, chị Mai phấn khởi cho biết.
HTX hiện có 4 loại chè thành phẩm chủ lực, gồm có 2 loại chè Ngọc Thúy và 2 loại chè khô chế biến từ giống Bát Tiên và giống chè LDP1. Trong đó có sản phẩm chè xanh túi lạnh Ngọc Thúy được thị trường khá yêu thích. Bởi khi pha sắc nước trong chén trà sánh vàng, tỏa hương ngào ngạt và khi uống có vị ngọt đọng sâu trong cổ họng.
Hàng năm, doanh thu từ sản xuất chè của HTX đạt trên 5,75 tỷ đồng. Sản phẩm chè của HTX có mặt tại thành phố Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Nam... Từ nay đến năm 2020, HTX phấn đấu mở rộng thêm 20 ha vùng nguyên liệu tại các huyện có diện tích chè shan đặc sản lớn như Na Hang, Lâm Bình.
HTX đang là điểm sáng trong xây dựng NTM |
Thúc đẩy xây dựng NTM
Sự ra đời của HTX Sử Anh đã và đang góp phần thúc đẩy sản phẩm chè thế mạnh của xã Phú Lâm, đồng thời, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm đặc trưng) của huyện Yên Sơn.
Ông Nguyễn Văn Thuấn - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Tuyên Quang, cho biết: “Chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ trọng điểm của tỉnh trong những năm qua nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với nâng cao thu nhập cho người dân”.
Hiệu quả của các mô hình điển hình như HTX Sử Anh (xã Phú Lâm), HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Thuận Yến (xã Kim Phú), HTX Chè Mỹ Bằng (xã Mỹ Bằng)… đang trở thành nhân tố quan trọng, mang lại những chuyển biến lớn trong xây dựng NTM của huyện Yên Sơn trong thời gian qua.
Theo đó, sau 10 năm thực hiện Chương tình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, huyện đã huy động được trên 2.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 8.170 km đường bê tông nông thôn, 227,3 km kênh mương nội đồng, 88 trạm biến áp, 214 công trình trường học; 392 nhà văn hóa xã, thôn, bản và hỗ trợ xóa 1.655 nhà tạm dột nát.
Đến nay, toàn huyện đã có 6 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 13,23 tiêu chí/xã, tăng 10,1 tiêu chí so với năm 2011; thu nhập của người dân đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm.
Từ nay đến năm 2020, huyện phấn đấu có thêm ít nhất 2 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thu nhập bình quân đến năm 2025, tăng ít nhất 1,6 lần so với năm 2019.
“Để đạt mục tiêu, huyện sẽ chủ động nhân rộng các mô hình HTX điểm, điển hình như HTX Sử Anh, nhằm đẩy mạnh chương trình OCOP, xây dựng các giá trị bền vững trong xây dựng NTM”, ông Thuấn nhấn mạnh.
Nhật Minh