HTX Quốc Tuấn đã đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại sản xuất cát nghiền từ đá. Đây là một trong những bước đi hiệu quả góp phần giảm áp lực từ việc khai thác cát quá mức tại nhiều địa phương như hiện nay.
Sản phẩm thân thiện
Nắm bắt xu hướng và tìm hiểu thực tế về nhu cầu sử dụng các loại vật liệu thân thiện môi trường, năm 2017, HTX Quốc Tuấn đã đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo với công suất 86.400 m3/năm. Nguồn đá thải sẵn có từ mỏ đá đang khai thác trên địa bàn tỉnh là điều kiện thuận lợi giúp HTX có nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ sản xuất.
Sau quá trình sàng lọc, phân loại đá, HTX đưa vào nghiền thành cát nhân tạo. Cát cũng được rửa sạch dưới hệ thống vòi nước nên bảo đảm chất lượng khi đưa vào xây dựng.
Nhờ tận dụng đá thải loại, HTX đã tạo ra loại cát xây dựng đủ điều kiện, đáp ứng nhu cầu xây dựng công trình công nghiệp, dân dụng, cầu, đường, bê tông nhựa macrosell…
Cát nghiền có ưu điểm là loại bỏ được tạp chất, hạt đều, có khả năng thay thế được cát tự nhiên trong một số lĩnh vực, đặc biệt là trộn bê tông và sản xuất gạch không nung, giá thành lại thấp hơn cát tự nhiên khoảng 10 - 20 nghìn đồng/m3.
Cát nhân tạo có tỷ lệ kết dính cao, có thể điều chỉnh tỷ lệ trong quá trình phối trộn vật liệu nên tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình.
Đặc biệt loại cát này rất phù hợp với công trình bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, nên được một số địa phương ưu tiên sử dụng.
Ông Phạm Quang Đạo - Giám đốc HTX, cho biết sản phẩm cát nhân tạo của HTX góp phần hạ giá thành cát xây dựng trên địa bàn huyện Sơn Động.
Sau gần 2 năm đi vào sản xuất cát nhân tạo, doanh thu của HTX đạt khoảng 1,1 tỷ đồng/ năm, giải quyết việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Việc đầu tư sản xuất cát nhân tạo của HTX là hướng đi tiềm năng đối với ngành sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh. Hiện nay, cát tự nhiên ngày càng khan hiếm, phải nhập từ các tỉnh lân cận để phục vụ các công trình xây dựng.
![]() |
Dây chuyền sản xuất cát nghiền của HTX |
Lợi ích kép
Trong dây chuyền sản xuất cát nghiền, hệ thống máy rửa cát có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng của cát, vì cát sẽ được rửa để loại bỏ tạp chất, chất hữu cơ và cho ra sản phẩm cát sạch, có kích thước đồng đều.
Lượng nước thải tương đối lớn nhưng đều được HTX xử lý theo quy chuẩn, tạo thành vòng tuần hoàn khép kín, có thể tái sử dụng nên bảo đảm không ô nhiễm môi trường.
Hơn nữa, nguồn nguyên liệu HTX sử dụng được thu mua từ những bãi đá thải trên địa bàn tỉnh trước đây đều không được tận dụng mà trở thành "rác", gây ô nhễm môi trường.
Hoạt động sản xuất cát của HTX đã làm giảm áp lực đá đổ thải, giảm nguy cơ trượt lở bãi thải trong điều kiện thời tiết bất thường, đồng thời đáp ứng được nhu cầu cát xây dựng, hạn chế dần việc khai thác nguồn tài nguyên cát tự nhiên từ các lòng sông.
Không chỉ vậy, việc tận dụng nguồn tài nguyên đáp ứng nhu cầu vật liệu trên địa bàn tỉnh của HTX còn phù hợp với tinh thần của Nhà nước trong việc đẩy mạnh sản xuất và ưu tiên sử dụng cát nhân tạo trong tình hình thực tiễn hiện nay.
Theo đánh giá của Sở Công Thương Bắc Giang, đây là HTX dũng cảm nắm bắt chủ trương, xu thế. Hoạt động của HTX không chỉ tận dụng được nguồn thải lãng phí mà còn tạo việc làm và hơn nữa là chủ động nguồn cát tại chỗ cho các công trình xây dựng.
Trong bối cảnh trữ lượng cát tự nhiên ngày càng cạn kiệt và việc khai thác cát đang gây tác động tiêu cực đến hệ thống sông, cửa biển, việc HTX Quốc Tuấn đầu tư công nghệ sản xuất cát nhân tạo từ đá nghiền là giải pháp mang lại giá trị kép về kinh tế cũng như môi trường.
Như Yến