Sản phẩm “Hồng không hạt Quản Bạ” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Tuy nhiên, số lượng cây được xây dựng CDĐL chưa nhiều. Không chỉ vậy, do trồng lâu năm nên giống hồng đặc sản này đang có nguy cơ bị thoái hóa, gây nỗi lo cho người trồng hồng.
Áp dụng quy trình VietGAP
Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của nhân dân trong việc giữ gìn, phát triển và bảo tồn loài gen cây hồng không hạt của huyện Quản Bạ, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, HTX hồng không hạt Quản Bạ đã được thành lập vào đầu năm 2017.
Để nâng năng suất, chất lượng hồng không hạt, HTX đã áp dụng quy trình chăm sóc, đốn tỉa cành, bón phân, trồng mới và trồng thay thế những cây có tuổi đời hàng chục năm chết vì sâu bệnh.
Bên cạnh đó, HTX cũng lập vườn ươm giống tại thị trấn Tam Sơn để chủ động nguồn giống và cung cấp giống cho bà con quanh vùng. Để thuận tiện cho quá trình chăm sóc, HTX đã quy hoạch diện tích hồng rộng 50 ha, trong đó 30 ha được trồng theo chuẩn VietGAP.
Theo Ban giám đốc HTX, trong quá trình thâm canh nếu không có những giải pháp phục hồi sẽ làm thoái hóa môi trường sản xuất, làm giảm nguồn tài nguyên đất, tài nguyên nước và mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp.
Vì vậy, việc quy hoạch diện tích hồng không hạt theo hướng VietGAP sẽ góp phần bảo vệ môi trường, gia tăng năng suất, chất lượng theo hướng bền vững.
Nước là nhân tố quan trọng cho sự phát triển của cây hồng, do đó, HTX đã lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động để tiết kiệm sức người, tăng năng suất.
Đối với sâu bệnh, HTX ưu tiên phương pháp thủ công như dùng dây cáp nhỏ để luồn vào những lỗ sâu đục nhằm tiêu diệt sâu. Trong trường hợp khẩn cấp, HTX mới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng sử dụng đúng liều lượng, thời gian cách ly khi thu hoạch là 4 tháng để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện nay, đa số thành viên đã đầu tư nguyên vật liệu và lắp đặt nhà lưới với chi phí hợp lý để bảo vệ cây trồng theo quy trình VietGAP. Mỗi cây hồng sau khi trồng đều được cắm cọc tre để giữ cây không bị đổ do tác động từ bên ngoài.
![]() |
“Hồng không hạt Quản Bạ” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL |
Chuyển biến trong nhận thức
Từ khi canh tác theo quy trình VietGAP, từng cây được HTX cắt tỉa để số lượng quả thích hợp, quét vôi vào gốc khi chớm thu hoạch cũng như sử dụng các loại chế phẩm sinh học an toàn. Qua đó cho thấy chất lượng quả đã được nâng lên, cây khỏe, mẫu mã quả đẹp, giá bán cao hơn trước đây.
Nhờ được tập huấn kỹ thuật sản xuất VietGAP, các thành viên và người dân đã thay đổi nhận thức canh tác hồng không hạt.
Nếu những năm trước, diện tích cây hồng bị chết do sâu bệnh phát triển nhiều, người dân không chăm sóc thường xuyên thì nay, ngoài nguồn giống chất lượng, HTX còn bảo đảm khoảng cách để tạo sự thông thoáng về mặt ánh sáng, bảo đảm chất dinh dưỡng cho cây.
Trước đây, diện tích hồng không hạt chỉ phát triển tự nhiên, không được chăm sóc, sau khi được tập huấn, mọi người đã sử dụng phân chuồng, lân, phân đạm... Các thành viên hiểu rằng phân bón rất cần thiết để cây phát triển, ra hoa, chống chịu với thời tiết khắc nghiệt nhưng cũng cần sử dụng hợp lý.
Đặc biệt, cây hồng ưa sống tại vùng đất đồi núi cao và thoải. Khi phát triển, cây có khả năng thấm hút và thoát nước tốt. Chính vì vậy, trồng hồng không hạt theo chuẩn VietGAP không chỉ giúp cải tạo đất đồi núi mà còn giữ đất không bị rửa trôi, hạn chế tình trạng đất đồi sạt nở khi mùa mưa đến.
Hiện nay, hồng không hạt trên thị trường còn ít, nhu cầu mua tăng cao, HTX đều có đơn vị vào tận vườn đặt mua, vì thế đầu ra cho sản phẩm luôn ổn định.
Năng suất tăng, đầu ra ổn định là động lực để HTX phát triển trồng mới diện tích hồng. HTX phấn đấu đến năm 2020 đạt trên 60 - 80 ha hồng VietGAP.
Bên cạnh phát triển hồng không hạt, HTX còn chăn nuôi ngựa, bò, dê để tăng thu nhập và tạo nguồn phân hữu cơ phát triển diện tích cây trồng.
Như Yến