Ít ai ngờ rằng 78 ha đất đồi dốc bạc màu trước đây chỉ trồng sắn, trồng ngô ở xóm Tây (xã Vĩnh Thủy) giờ lại thành vùng cây ăn quả quy mô lớn nhất huyện. Ông Trần Văn Phẩm, thành viên HTX Tây Vĩnh Thủy, cho biết trong 78ha cây ăn quả của HTX hiện có 68ha cho thu hoạch. Nhiều hộ gia đình có thể thu về hàng trăm triệu đồng từ trồng cây ăn quả trên đất dốc.
Không quên bảo vệ môi trường
Tham gia HTX Tây Vĩnh Thủy, gia đình ông Phẩm mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả với 2ha các loại cây như thanh long, bưởi da xanh, chanh leo... Từ các mô hình này, bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
Ông Phẩm cho biết gia đình sắp tới sẽ đầu tư trồng thêm 1ha mít Thái để nâng cao hiệu quả kinh tế, cũng như đa dạng sản phẩm phục phục thị trường.
Diện tích đất mà HTX Tây Vĩnh Thủy sản xuất trước đây đều dốc, không được cải tạo thường xuyên nên bị rửa trôi, bạc màu. Người dân trồng cây ngô, cây sắn thì phát triển kém, cho năng suất thấp nên nhiều gia đình bỏ hoang. Trước thực trạng này, các thành viên HTX đã mạnh dạn xin ý kiến của chính quyền địa phương, sau đó chuyển từ trồng cây lượng thực kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả.
![]() |
Thành viên HTX trao đổi kỹ thuật chăm sóc chanh leo |
Chú trọng áp dụng quy trình sản xuất VietGAP nên phần đất nào HTX “khai hoang” đều cho cây xanh, quả ngọt. Các loại cây ăn quả phát triển tốt và cho năng suất cao, đưa diện tích sản xuất của HTX trở thành một trong những vùng cây ăn quả có giá trị.
Để bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP, HTX hướng thành viên sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép hoặc tự chế thuốc phòng chống sâu bệnh từ ớt, tỏi, riềng xay…
Thành viên áp dụng thực hành sản xuất theo các nguyên tắc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nhằm ngăn ngừa sự phát triển của sâu bệnh bằng các biện pháp canh tác tổng hợp (cây giống khỏe, mật độ cây trồng phù hợp, bón phân cân đối, đúng liều lượng, đúng nhu cầu cây trồng; ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh…).
Khi vào HTX, các thành viên buộc phải bảo đảm đúng quy trình, canh tác theo đúng kỹ thuật. Cụ thể như việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách) để bảo đảm lượng phân, thuốc cho cây hấp thụ, tránh tình trạng rửa trôi khiến đất bạc màu và làm ô nhiễm môi trường.
HTX cũng thực hiện quản lý chặt chẽ việc sử dụng hóa chất trong canh tác và xử lý sau thu hoạch. Các thành viên phải thu gom và xử lý đúng cách bao bì thuốc bảo vệ thực vật, quả non, quả hỏng, cành cây để bảo vệ môi trường vì đây là một trong các tiêu chuẩn quan trọng của quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt VietGAP.
“Ngoài việc nâng cao được năng suất, việc áp dụng quy trình VietGAP giúp người dân giảm được số lần phun thuốc trừ sâu hóa học khoảng 4 lần/vụ, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cây trồng”, ông Nguyễn Quang Hạnh, Giám đốc HTX cho biết.
Thành quả ngọt ngào
HTX Tây Vĩnh Thủy đang đảm nhận 750ha đất dốc ở phía Tây của xã Vĩnh Thủy và đã “phủ xanh” được một phần trong số đó. Với mong muốn chinh phục diện tích đất bạc màu và nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất nông nghiệp, các thành viên chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật để có thể bảo đảm được năng suất, chất lượng cây trồng, đồng thời cung cấp thêm dinh dưỡng cho đất.
Hiện, một số thành viên đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, kéo điện thắp sáng để phục vụ sản xuất trên quy mô lớn.
Các thành viên đã xây dựng thành công thương hiệu cho thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh khi hoàn thành chứng nhận VietGAP. Sản phẩm xuất ra thị trường có tem mác rõ ràng. Đây cũng là một trong những sản phẩm chủ lực tại địa phương. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường 72 tấn thanh long, 45-50 tấn bưởi da xanh, đem lại nguồn thu trên 2 tỷ đồng.
![]() |
Thanh long là một trong những cây trồng chủ lực của HTX |
Diện tích cây ăn quả còn lại đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện hồ sơ để được các ngành chức năng công nhận đạt chuẩn VietGAP.
Với tư cách pháp nhân rõ ràng, HTX Tây Vĩnh Thủy đã chú trọng tìm kiếm đầu ra sản phẩm, tìm kiếm các loại giống mới phù hợp với địa phương. Sản phẩm của HTX đã có mặt ở khắp các thị trường trong, ngoài tỉnh như: hệ thống các lô quầy bán hàng, Siêu thị Coopmart Đông Hà, Công ty Aoifoods Đà Nẵng, Công ty Sóc trắng Hà Nội, Công ty Nafoods Tây Bắc… HTX cũng tạo việc làm cho 30 lao động với mức lương 3-8 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài đẩy mạnh tham gia các hội chợ nông sản, cứ 3 tháng/lần, HTX tổ chức họp thành viên để cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và tổng kết đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh, thống nhất kế hoạch sản xuất cho giai đoạn tiếp theo.
Mục tiêu của HTX thời gian tới là tiếp tục mở rộng diện tích cây ăn quả để đa dạng sản phẩm cũng như quay vòng sản xuất, giúp thành viên nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, HTX sẽ chuyển dần sang canh tác theo hướng hữu cơ nhằm tạo nền tảng vững chắc cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và nâng cao chất lượng môi trường sinh thái.
Như Yến