Xác định phát triển làng nghề, HTX là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, huyện Phú Xuyên đã và đang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ tối đa các nguồn lực để thu hút đầu tư. Từ đó, tạo cơ hội cho nhiều lao động nông thôn có việc làm phù hợp.
Tạo sức bật cho kinh tế địa phương
Huyện Phú Xuyên được mệnh danh là “đất trăm nghề” - huyện nghề, với 154/154 làng có nghề, trong đó có 43 làng được thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Sản phẩm của các làng nghề được đem đi tiêu thụ trong khắp cả nước và nước ngoài.
Nhiều làng nghề của huyện rất nổi tiếng như: May mặc Vân Từ, giày da Phú Yên, đồ gỗ Tân Dân, Văn Nhân; khảm trai Chuyên Mỹ; mây giang đan, cỏ tế Phú Túc; tò he Xuân La, bánh kẹo Cổ Đường… Các làng nghề hoạt động đã và đang tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động, góp phần đóng góp cho ngân sách địa phương.
Mô hình HTX hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực thúc đẩy làng nghề, góp phần xóa đói, giảm nghèo. |
Vốn có làng nghề guột tế (đan cỏ tế), để phát triển nghề truyền thống, xã Phú Túc đã quan tâm phát triển HTX guột mây tre lá Hồng Kỳ, nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập, làm giàu cho nhiều hộ gia đình, nhờ áp dụng máy móc công nghệ hiện đại vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm của HTX đã được nâng cao, thương hiệu sản phẩm ngày càng tiến xa hơn trên thị trường tiêu thụ, có mặt ở khắp các thị trường trong nước và đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc HTX chia sẻ,hiện nay, làng nghề guột tế tiếp tục được người dân trong xã gìn giữ, duy trì và phát triển. Làng nghề đã được phát triển mạnh và đang là nghề chính, nghề mũi nhọn, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập, làm giàu cho nhiều hộ gia đình trong xã.
Có thể thấy, việc phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn tại các địa phương đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo tăng thu nhập cho lao động vùng nông thôn, đồng thời tận dụng được nguồn nhân lực tại chỗ của địa phương… Đây là những điều kiện thuận lợi để các ngành nghề truyền thống phát triển bền vững nhằm tạo ra hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn.
Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP
Hiện nay, huyện Phú Xuyên đã có 80 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên. Các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện đều tích cực và năng động tham gia các hoạt động trưng bày, quảng bá, xúc tiến thương mại tổ chức tại thành phố và các tỉnh thành cả nước. Các làng nghề tạo thêm công ăn việc làm, mở rộng hoạt động thương mại, bán hàng trực tuyến để phát triển kinh tế địa phương.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc HTX thương mại và dịch vụ nông nghiệp Khai Thái, xã Khai Thái cho biết: Tham gia chương trình OCOP, nhiều sản phẩm của HTX mở rộng đầu ra, tiếp cận được thị trường khắp tỉnh thành. Một số sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng và đặt hàng.
Hiện nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tơ chuối của HTX thương mại và dịch vụ nông nghiệp Khai Thái đã được được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP Thành phố Hà Nội chấm điểm đạt “4 sao”, gồm: Đèn sợi chuối; tảo sái sợi chuối; túi xách sợi chuối; lọ hoa sợi chuối; giỏ đựng đồ con cú sợi chuối; cọ cốc chén sợi chuối.
Từ kết quả đạt được, thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục phát triển để các sản phẩm từ sợi chuối có thể trở thành sản phẩm mũi nhọn của địa phương, đạt mức 5 sao của Chương trình OCOP và sẵn sàng tham gia vào các chương trình quốc gia trong phát triển nông nghiệp nông thôn cũng như làm tăng chất lượng mặt hàng nông sản vùng… Qua đó, hỗ trợ các địa phương cách làm sợi chuối, giúp người dân có thêm cơ hội việc làm, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Đến nay, HTX đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 40 lao động. HTX đã phát triển được 3 cơ sở gồm: 1 cơ sở sản xuất sợi và 1 cơ sở sản xuất thủ công, ngâm ủ tại thôn Lập Phương; 1 cơ sở sản xuất thủ công, ngâm ủ tại thôn Vĩnh Trung.
Các HTX ở các làng nghề cũng đã chủ động phát huy nội lực, sáng tạo trong việc thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. |
Lãnh đạo UBND xã Khai Thái chia sẻ, tại Việt Nam, cây chuối hiện tại chủ yếu dùng để lấy quả, một số ít tận dụng được lá khô, lá tươi, hoa tươi. Thân chuối gần như 100% là chặt bỏ, gây lãng phí, người trồng chuối thậm chí phải mất chi phí cho việc đốn hạ, vứt bỏ thân chuối sau thu hoạch. HTX thương mại và dịch vụ nông nghiệp Khai Thái được thành lập và đi vào hoạt động không chỉ tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động trong xã mà còn thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.
Chủ động phát huy nội lực của các làng nghề
Tính đến tháng 6 năm 2023, toàn huyện Phú Xuyên có 43 làng nghề được Thành phố công nhận, trong đó 42 làng nghề đang hoạt động. Những làng nghề truyền thống này được nhiều nơi biết đến như: Khảm trai ở xã Chuyên Mỹ là thủy tổ nghề khảm trai có từ thế kỷ 11; nặn Tò he ở Xuân La, xã Phượng Dực có cách đây 300 năm. Ngoài ra còn có những làng nghề tiêu biểu khác như may comple ở Vân Từ, giầy da Phú Yên, đan cỏ tế xuất khẩu ở Phú Túc, đồ gỗ cao cấp ở Tân Dân, Nam Tiến, nghề cơ kim khí ở Đại Thắng, dệt lưới chã ở xã Quang Trung… Cùng với đó, huyện Phú Xuyên có 03 nhãn hiệu làng nghề được công nhận là: Giày da Phú Yên, khảm trai Chuyên Mỹ, kẹo Cổ Hoàng.
Ông Lê Văn Bính, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên chia sẻ, tại huyện Phú Xuyên, kinh tế nông thôn được chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nhiều làng nghề truyền thống ở các xã Đại Thắng, Vân Từ, Phú Yên,...được mở rộng và phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo nông thôn.
Các sản phẩm của các làng nghề truyền thống ở Phú Xuyên không chỉ có chỗ đứng ở thị trường trong nước mà đến nay các sản phẩm này đã có mặt ở thị trường thế giới. Một số sản phẩm mây giang đan còn được xuất khẩu sang các nước trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… Huyện cũng phát huy thế mạnh các làng nghề để quảng bá giới thiệu sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, phát triển bền vững cho địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Bính, ngoài các chính sách hỗ trợ giúp đỡ của nhà nước, các HTX, các làng nghề cũng cần chủ động phát huy nội lực, sáng tạo trong việc thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác xúc tiến thương mại; ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí trên đơn vị sản phẩm và không gây ô nhiễm môi trường nông thôn… "Có vậy làng nghề truyền thống mới tiếp tục phát triển, đứng vững trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn", ông Bính nói.
Có thể nói, việc phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn tại các địa phương đã góp phần xoá đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho cho lao động vùng nông thôn, đồng thời tận dụng được nguồn nhân lực tại chỗ của địa phương… Đây là những điều kiện thuận lợi để các ngành nghề truyền thống phát triển bền vững nhằm tạo ra hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn.
Đoàn Huyền