HTX Thanh Bình đang vững tiến nhờ sản xuất VietGAP (Ảnh Tư liệu) |
Sản xuất VietGAP, bảo vệ môi trường
Năm 2017, vấn nạn chè bẩn lan rộng khắp cả nước, gây thiệt hại không nhỏ cho hàng nghìn hộ trồng chè, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến các vùng chè tại thủ phủ chè tỉnh Thái Nguyên.
Trong bối cảnh cả ngành chè lao đao, hoạt động sản xuất của HTX Thanh Bình vẫn diễn ra thuận lợi nhờ uy tín về chất lượng được gầy dựng trong nhiều năm.
Ông Trịnh Văn Hưng – Giám đốc HTX, chia sẻ để có được thành công trên, HTX đã trọng các nguyên tắc vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, đồng thời hình thành mạng lưới liên kết với các hộ dân trên địa bàn phát triển các vùng chè an toàn theo hướng hàng hóa.
Các thành viên, hộ trồng chè liên kết bán nguyên liệu cho HTX đều phải cam kết thực hiện tiêu chuẩn sản xuất sạch như không dùng thuốc diệt cỏ, không dùng thuốc trừ sâu hóa học, không phun chất kích thích sinh trưởng…
Đặc biệt, khi liên kết với doanh nghiệp, quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX càng được kiểm soát nghiêm ngặt hơn.
Ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn, chuyển giao các công nghệ mới vào sản xuất, HTX còn hỗ trợ thành viên về kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các loại thảo mộc có lợi cho môi trường sinh thái…
HTX thường xuyên cử cán bộ giám sát việc tuân thủ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiến hành kiểm tra định kỳ và đánh giá kết quả trong quá trình sản xuất của các hộ trồng chè.
“Để có được sản phẩm chè sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, HTX luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến an toàn, sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học đúng nguyên tắc, đảm bảo các quy trình kỹ thuật, vệ sinh môi trường”, Giám đốc HTX Trịnh Văn Hưng nhấn mạnh.
Sản phẩm của HTX đang có thị trường rộng mở nhờ chất lượng vượt trội (Ảnh TL) |
Khẳng định tên tuổi trên thị trường
Bà Nguyễn Thị Diện - thành viên HTX chè Thanh Bình, tâm sự: “Việc chăm sóc chè cũng khó như chăm một đứa trẻ, phải hiểu rõ về cây chè, nắm vững các nguyên tắc, đồng thời phải dành ra rất nhiều thời gian và công sức thì mới có thể làm chè tốt được”.
Quy trình bao gồm 2 giai đoạn lớn là chăm sóc và chế biến (sao chè). Trong giai đoạn chăm sóc, người dân tại hợp tác xã chè Thanh Bình hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học.
Còn giai đoạn chế biến (sao chè) được xem như một trong những loại hình nghệ thuật mà người sao chè chính là những nghệ nhân.
Nhờ sản xuất sạch, tháng 3 năm 2019, HTX đã được Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices: Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam), công nhận quy trình sản xuất và chế biến chè tại HTX Thanh Bình được thực hiện theo đúng quy chuẩn sản xuất chè sạch và an toàn của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Đây được xem là một trong những bước ngoặt quan trọng nhất trong quá trình sản xuất và xây dựng thương hiệu của HTX chè Thanh Bình, giúp HTX tự tin vươn xa trên thị trường.
Giám đốc Trịnh Văn Hưng chia sẻ sản phẩm chè Bình Thuận có chất lượng không thua bất kỳ nơi nào, tuy nhiên thương hiệu sản phẩm chưa được nâng lên.
Với khát khao, sự đoàn kết của các thành viên, HTX Thanh Bình đang quyết tâm phát triển theo hướng bền vững, xây dựng thương hiệu chè Thanh Bình nói riêng, hòa nhập với sản phẩm chè Thái Nguyên nói chung, từ đó tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Nhật Minh