Tiền Giang là một trong những tỉnh đi tiên phong về sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP của ĐBSCL. Được thành lập năm 2008, HTX nông nghiệp Quyết Thắng là mô hình sản xuất áp dụng VietGap đầu tiên, hướng tới mục tiêu trồng dứa (khóm), bảo vệ cho cây dứa phát triển bền vững.
Điều kiện để xây dựng thương hiệu
Được sự giúp đỡ và hỗ trợ của chính quyền địa phương, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam và Sở KH&CN và Chi cục NN&PTNT Tiền Giang, HTX triển khai thực hiện quy trình sản xuất dứa theo hướng an toàn (VietGAP) từ tháng 8/2009.
22 hộ xã viên với 30 ha dứa của HTX đã được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cấp chứng nhận và đạt chứng nhận VietGAP lần 2 vào năm 2013 với quy mô 37 ha. Đây là điều kiện để xây dựng thương hiệu dứa Tân Phước, giúp cây dứa ở địa phương này phát triển hiệu quả và bền vững.
Trồng dứa theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi HTX phải tuân theo quy trình, kỹ thuật nghiêm ngặt, trang bị đầy đủ các cơ sở vật chất. Chẳng hạn, người trồng dứa phải xây dựng hố xí tự hoại, hố lắng, xây dựng kho chứa các hóa chất, thuốc BVTV, phân bón và tiến hành ghi chép, lưu giữ hồ sơ mua và sử dụng phân bón...
Sản phẩm dứa của HTX
Hàng năm, dứa có thể cho thu hoạch 3 - 4 lần với năng suất bình quân đạt 15 - 20 tấn/ha. Hiện nay, dứa loại chất lượng tại ruộng có giá 7.000 - 8.000 đồng/kg. Mỗi ha trồng dứa của HTX có lãi trên 50 triệu đồng/năm.
Giám đốc HTX - ông Bùi Công Thành, chia sẻ: Khi mới đầu vào hoạt động HTX gặp phải khó khăn do việc thay đổi quan điểm, tập quán người dân chưa quan tâm đến việc sản xuất trái cây theo hướng chất lượng, VSATTP, nên đầu ra cho sản phẩm bấp bênh cũng như việc thay đổi thói quen chăn thả vật nuôi trong khu vực sản xuất và sự e ngại của người dân. Bên cạnh đó là việc thiếu vốn sản xuất và trình độ Ban quản lý HTX (nay gọi là Ban giám đốc HTX) còn hạn chế.
Cách làm ăn hiệu quả
Là vùng trũng thuộc Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước bị nước ngập tràn đồng vào những tháng có lũ, do đó, việc canh tác cây dứa và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP bị hạn chế, HTX chỉ hoạt động cầm chừng. Sau đó được sự tư vấn giúp đỡ của các ban ngành, chính quyền địa phương và bản thân HTX hết sức cố gắng, nỗ lực triển khai thực hiện quy trình sản xuất dứa theo hướng an toàn (VietGAP).
Ông Thành cho biết tồn tại lớn nhất mà HTX đang đối mặt là thị trường tiêu thụ nông sản GAP chưa ổn định, chi phí sản xuất dứa VietGAP còn cao. Từ đó, HTX mong muốn tỉnh cần có chính sách thu hút đầu tư đối với ngành chế biến rau quả, đặc biệt là trái khóm để tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị cho trái dứa Tân Phước.
“Có đầu ra ổn định cho sản phẩm sạch, HTX nói riêng và người nông dân ở đây nói chung sẽ yên tâm sản xuất theo tiêu chuẩn “sạch”. Vì khi tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn, người dân sẽ được cung cấp thông tin thị trường, tình hình phòng chống dịch bệnh trên cây trồng gắn với các chính sách khuyến công, khuyến nông và chuyển giao KH-KT thâm canh...”, ông Thành cho biết.
Nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị của trái dứa và mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ lâu cây dứa đã được tỉnh xác định là cây ăn trái chủ lực để phát triển kinh tế ở vùng đất phèn Tân Phước.
Hiện toàn huyện có hơn 15.000 ha dứa, tập trung nhiều nhất ở các xã Thạnh Mỹ, Mỹ Phước, Hưng Thạnh, Thạnh Tân, Thạnh Hòa, Tân Hòa Đông, Tân Lập 1, Tân Lập 2, và Phước Lập, với sản lượng cung cấp cho thị trường trong nước và chế biến XK hàng năm khoảng 250.000 tấn. Do đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý, diện tích trồng dứa đã gia tăng theo từng năm.
Cách làm ăn có hiệu quả và sự thành công của HTX Quyết Thắng là minh chứng cho việc “sản xuất cái mà thị trường cần”, nghĩa là sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn có ý nghĩa quyết định trong quá trình hội nhập hiện nay.
Ngọc Cầm