Sinh ra và lớn lên trên vùng đất nhãn (xã Đông Kết, Khoái Châu), ông Đỗ Bá Nghĩa, Giám đốc HTX nhãn lồng Khoái Châu, thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của bà con khi thường xuyên phải đối mặt với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Xác định hướng đi riêng, năm 2009, ông Nghĩa tập hợp các hộ thành lập HTX, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhãn cho nông dân.
“Xanh” với môi trường, “an toàn” với con người
Ban đầu, HTX chỉ có vài người tham gia, nay đã lên đến 100 thành viên sản xuất trên diện tích 70ha, trong đó có 15ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu là nhãn chín muộn Miền Thiết, nhãn T2, T6, nhãn siêu ngọt...
Theo tính toán của lãnh đạo HTX, năm 2021, sản lượng nhãn của HTX ước đạt khoảng 700 tấn |
Để phát triển bền vững, ông Nghĩa cùng các thành viên bàn bạc tìm giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất. Qua đó, vận động các thành viên áp dụng khoa học công nghệ, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thâm canh nhãn VietGAP, gia tăng năng suất, bảo đảm các giá trị “xanh” đối với môi trường và “an toàn” đối với con người.
Đồng thời, HTX phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và Tập đoàn Lộc Trời mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật sản xuất cho các thành viên.
Những năm qua, thông qua Hội nghị xúc tiến thương mại của tỉnh Hưng Yên về quảng bá các mặt hàng nông sản, sản phẩm nhãn siêu ngọt, nhãn chín muộn của HTX đã nhận được nhiều đơn vị, doanh nghiệp biết đến, bắt tay ký kết và thu mua.
Đến nay, HTX đã hoàn tất thủ tục về tem mác truy xuất nguồn gốc, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm với các sản phẩm nhãn. Những thành công bước đầu đã tạo cơ hội cho các thành viên yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
Theo ông Nghĩa, xây dựng được thương hiệu đã khó nhưng giữ được thương hiệu càng khó hơn. Với phương châm sản xuất nông sản sạch, chất lượng sản phẩm là mục tiêu hàng đầu, các thành viên cam kết tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, không sử dụng chất kích thích, chất cấm trong quá trình chăm sóc, bảo quản...
Ông Đỗ Đình Thắng, thành viên trồng nhãn tại xóm Bắc, xã Đông Kết chia sẻ về quy trình trồng và chăm sóc, việc sản xuất nhãn của ông thực hiện khá tỉ mỉ và chi tiết, từ khâu xử lý đất, nguồn nước tưới, thời điểm cắt tỉa, tạo tán cho cây đến quá trình sử dụng, thời gian cách ly với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trước và sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, ông Thắng còn ngâm ủ ngô, cá, đỗ tương để bón, tưới cho cây nhãn. Nhờ áp dụng theo quy trình VietGAP, năm nào gần 1ha nhãn của gia đình ông Thắng đều có tỷ lệ ra hoa, đậu quả đạt 90%, sản lượng nhãn dự kiến năm nay ông có thể thu về khoảng 15 tấn, lãi hơn 100 triệu đồng.
“Từ ngày sản xuất theo hướng an toàn, chúng tôi đã thay đổi kiểu canh tác truyền thống, không phải lệ thuộc vào thuốc BVTV, khôi phục các vi sinh vật có ích trong đất trồng. Hơn nữa, việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh cũng giúp cây khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, chống chọi sâu bệnh tốt hơn, bảo vệ môi trường xung quanh”, ông Thắng phấn khởi nói.
Học từ mẹ thiên nhiên
Dẫn phóng viên đi thăm vườn, anh Ngô Đức Dương, thành viên HTX tiết lộ cho chúng tôi bí quyết độc đáo mà các “phù thủy” vùng đất nhãn “gối đầu giường” trong thời gian qua. Đó là việc ghép tạo, khoanh thân vỏ cho nhãn đậu quả, cắt cành và tự tay thụ phấn để nhãn kéo dài thời gian thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ áp dụng phương pháp, kỹ thuật cho nhãn ra hoa, đậu quả đã mở ra hướng làm giàu cho các thành viên |
Được biết, sau quá trình nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn trồng nhãn khác trong tỉnh, anh Dương đã lựa chọn thời điểm khoanh cây, khoanh cành để thúc nhãn ra hoa sớm hoặc muộn.
“Để có nhãn ra hoa, đậu quả sớm hoặc muộn đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật thâm canh cao, hiểu đặc tính từng giống, sức khỏe của từng cây và điều kiện thời tiết để quyết định chính xác thời gian tác động đến cây trồng”, anh Dương nói.
Bắt đầu từ tháng 4, bà con bắt đầu áp dụng những biện pháp kỹ thuật để ép nhãn ra hoa, đậu quả, chất lượng quả ngon hơn, ngọt và có độ đường cao. Đồng thời, các thành viên thường xuyên theo dõi lộc, lá của cây nhãn để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Vào cuối tháng 8, khi trà nhãn chính vụ đã cơ bản thu hoạch xong, nhiều vườn của HTX lại tiếp tục thu hoạch các diện tích nhãn chín muộn. Theo đó, giá bán dao động từ 30.000-50.000 đồng/kg, tiêu thụ thuận lợi tại các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hơn nữa, phương pháp ép nhãn ra hoa, đậu quả cũng là một trong những giải pháp giúp nông dân thu hoạch nhãn rải vụ, tránh bị thương lái ép giá, mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng.
“Không có giáo sư, tiến sĩ nào dạy mà chỉ có cây cối, thiên nhiên là những người thầy để đúc kết kinh nghiệm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng kết hợp với các nhà khoa học để có những phương pháp trồng và chăm sóc cây năng suất, hiệu quả nhất”, ông Đỗ Bá Nghĩa nói.
Với cách làm độc đáo, sản xuất an toàn, không sử dụng thuốc trừ cỏ độc hại, chăm bón bằng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học đã thấy được hướng đi đúng đắn của HTX trong suốt thời gian qua.
“Thời gian tới, HTX tiếp tục xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu cho sản phẩm, bắt đầu từ việc tích cực đổi mới sáng tạo, vì mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, mở rộng diện tích vùng sản xuất nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch phù hợp với nhãn quả tươi nhằm đảm bảo chất lượng, kéo dài thời gian tiêu thụ, giảm áp lực mùa vụ”, ông Nghĩa bày tỏ.
Tô Thương