HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành hiện là đơn vị kinh tế hợp tác đứng ra kết nối người dân và doanh nghiệp (công ty Dược liệu Tuệ Linh) để trồng cây dược liệu cà leo gai từ năm 2015. Yêu cầu đặt ra là các thành viên và người dân phải tuân thủ theo quy trình sản xuất sạch (GACP) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với nhiều công đoạn và yêu cầu khắt khe.
Sản xuất khoa học
Cây cà gai leo trước đây chủ yếu mọc dại hoặc trồng theo quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch bài bản (trồng lẫn với vùng trồng lúa hoặc hoa màu; sử dụng nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện; thu hái không theo mùa vụ) làm ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu.
Việc HTX Mỹ Thành liên kết với doanh nghiệp là bước ngoặt đánh dấu sự đổi thay tích cực trong sản xuất theo hướng khoa học.
Cây cà gai leo thích nghi với nhiều vùng trên cả nước, chịu được nắng nóng. Tuy nhiên, loại dược liệu này không chịu được ngập úng. Chính vì vậy, khi sản xuất, HTX bắt buộc phải lựa chọn vùng có chân ruộng cao.
Khó khăn đặt ra là vùng chân ruộng cao của thành viên HTX lại lẻ tẻ, không tập trung. Để giải quyết vấn đề này, HTX đã cùng địa phương thuyết phục người dân đổi ruộng hoặc thuê đất dài hạn (5 năm) để lấy diện tích đất ruộng cao tập trung phục vụ sản xuất. Giá thuê đất là 1 tạ thóc/sào.
Quy trình sản xuất cà leo gai theo tiêu chuẩn GACP có nhiều công đoạn, mỗi công đoạn lại có những tiêu chuẩn riêng buộc các thành viên HTX phải tuân thủ. Trước khi trồng là một quá trình nghiêm ngặt về kiểm tra mẫu đất và nước. Chỉ khi toàn bộ diện tích đất trồng phải bảo đảm yêu cầu về dinh dưỡng, không tồn dư thuốc hóa học mới đủ điều kiện đi vào sản xuất.
Trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch đều có kỹ sư của doanh nghiệp đồng hành cùng các thành viên HTX. Ngoài nguồn giống chất lượng và được chuẩn hóa, yêu cầu khắt khe tiếp theo là người trồng không được sử dụng bất kỳ một loại phân và thuốc hóa học nào.
Để hạn chế cỏ dại và không phải dùng thuốc trừ cỏ độc hại, HTX đã sử dụng nilon trải trên mặt luống. Phương pháp này còn giúp HTX tiết kiệm tiền thuê nhân công làm cỏ.
Việc băm nhỏ cà gai leo theo phương pháp thủ công không chỉ mất thời gian, năng suất không bảo đảm mà còn gây bất tiện vì đây là loại cây có nhiều gai. Trước khó khăn trên, HTX đã đầu tư máy băm cà gai leo với nhiều kích cỡ khác nhau.
Theo Ban giám đốc HTX, để sản phẩm làm ra bán được giá cao, doanh nghiệp thu mua có yêu cầu rất cao về kích thước thành phẩm. Chính vì vậy, việc mua máy băm cà gai leo là cần thiết.
Việc chuẩn hóa quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch đã giúp diện tích cà leo gai của HTX bảo đảm được yêu cầu khắt khe về chất lượng cho doanh nghiệp chế biến.
![]() |
Thành viên HTX Mỹ Thành sơ chế cây cà gai leo |
Phục hồi môi trường
Hiện nay, doanh nghiệp thu mua cà gai leo của HTX với giá 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi sào cho thu nhập khoảng 12 triệu đồng/năm. Điều đặc biệt là cây cà gai leo chỉ cần đầu tư giống một lần nhưng cho thu hoạch trung bình khảng 5 năm tiếp theo nên các thành viên không phải bỏ vốn đầu tư giống nhiều lần.
Việc HTX tuân thủ nghiêm theo quy trình GACP nhằm bảo đảm sự đồng nhất về chất lượng, loại bỏ được việc nhiễm bẩn một cách ngẫu nhiên hay cố tình pha trộn trong quá trình sản xuất.
“Sự thiếu thận trọng trong bất cứ công đoạn nào cũng có thể làm giảm mức độ an toàn, gây ô nhiễm môi trường, từ đó ảnh hưởng đến nguồn lợi kinh tế của các thành viên”, ông Đinh Tiến Thao - Giám đốc HTX, cho biết.
Được sự hướng dẫn của kỹ sư, trên diện tích cà gai leo, các thành viên HTX đã kết hợp trồng luân canh cây đậu tương để tăng hiệu quả kinh tế và cải tạo đất. Cây đậu tương cũng được dùng làm phân bón.
Ngoài ra, doanh nghiệp sau khi ép dịch cà gai leo đã dùng bã này làm phân, sau đó cung cấp cho HTX để bón cho cây trồng. Ngoài việc giảm chi phí, thành viên còn được sử dụng nguồn phân bón bảo đảm chất lượng.
Việc trồng cà gai leo theo tiêu chuẩn sạch có ý nghĩa rất lớn về môi trường vì đây là cây trồng có khả năng phục hồi môi trường, không gây xói mòn giống như cây keo. Chính vì lợi ích to lớn này mà diện tích sản xuất của HTX liên tục được mở rộng từ 10 ha lên 12,7 ha và hiện nay là 16 ha.
Từ một vùng đất khô cằn, trồng lúa cho năng suất thấp, giờ đây mảnh đất Mỹ Thành đã được phủ kín bởi màu xanh của cà gai leo. Đây cũng là một trong những vùng trồng cà leo gai lớn của nước ta đạt tiêu chuẩn dược liệu sạch quốc tế GACP – WHO.
Như Yến