Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, Mộc Châu nổi tiếng với nhiều loại đặc sản mang đặc trưng Tây Bắc. Nhận thấy tiềm năng to lớn của các loại nông sản địa phương, bà Bùi Thị Lan và anh Ngô Thành Đạo đã vận động người dân thành lập HTX Đặc sản Tây Bắc, liên kết phân phối các sản phẩm cho người dân nơi đây, giúp đưa nông sản địa phương đi xa, đóng góp công sức xây dựng, phát triển quê hương giàu đẹp.
Nhiều cách làm hiện đại giúp người dân phát triển kinh tế
Mộc Châu vốn có đặc trưng là một huyện miền núi cao với nhiều dân tộc thiểu số như Thái, Mông,… Chính vì vậy, huyện gặp nhiều hạn chế về giao thương và vận tải, trình độ phát triển theo khu vực không đồng đều.
Trước đó, nhân dân nơi đây đã chủ động kinh doanh các mặt hàng nông sản, mặt hàng tự sản xuất, nhưng đầu ra kém, thị trường bó hẹp, thậm chí các hộ trên cùng địa bàn tự cạnh tranh lẫn nhau, dẫn đến tình trạng người lao động có thu nhập thấp, đời sống khó khăn, bấp bênh. Mức độ nhận diện và tiêu thụ của những sản phẩm chất lượng cao tại địa phương tương đối kém, trong khi những mặt hàng dễ bán thì giá trị cũng thấp, lợi nhuận mang lại không cao.
HTX Đặc sản Tây Bắc không chỉ giúp người dân đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, mà còn mở ra hướng làm giàu cho thành viên. |
HTX Đặc sản Tây Bắc chính thức được thành lập vào năm 2019 nhằm liên kết, hỗ trợ bà con Mộc Châu tìm đầu ra cho sản xuất. Đến nay, HTX có 7 thành viên, hoạt động trên tổng diện tích khoảng 20ha, theo mô hình liên kết tiêu thụ với các hộ trồng hoa quả và các tập thể, cá nhân sản xuất và chế biến nông, đặc sản Tây Bắc.
Sau 3 năm hoạt động, thông qua việc tích cực quảng bá, phát triển thương hiệu đặc sản, HTX đã thành công giúp người dân mở rộng thị trường ra khắp cả nước, phát triển tiêu thụ vượt bậc, vươn lên làm giàu.
Anh Ngô Thành Đạo, Phó Giám đốc HTX chia sẻ: “Từ những liên kết nhỏ lẻ ban đầu, đến nay HTX đã kết nối tiêu thụ được với hơn 25 tập thể, cá nhân sản xuất và chế biến sản phẩm, trên 10 hộ trồng hoa quả, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số”. Các sản phẩm do HTX đang hỗ trợ phân phối hiện rất đa dạng, từ các loại hoa quả chuyên canh như hồng giòn, mơ má đào, cam,… đến các loại thịt, gia vị đặc sản của đồng bào dân tộc nơi đây như chẩm chéo, thịt trâu, bò gác bếp, bia Tây Bắc,…
Không giống với những HTX khác thường phân phối chủ yếu thông qua các kênh chợ truyền thống hay siêu thị, HTX Đặc sản Tây Bắc hiện đang thực hiện bán hàng kết hợp quảng bá chủ yếu thông qua kênh online bao gồm các website trực tuyến, sàn thương mại điện tử,...
Cách làm này đã đem lại hiệu quả cao, mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Người tiêu dùng tìm mua hàng của HTX đến từ khắp khu vực miền Bắc và một số tỉnh miền Nam. Nhờ đó, các hộ liên kết của HTX đã có thu nhập ổn định, đời sống ấm no hơn trước.
“Nếu trước kia thu nhập của bà con chỉ vào khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến nay đã tăng lên đến khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Tiêu biểu, 2 sản phẩm chủ lực của HTX là hồng giòn và cam ly Mộc Châu, sau khi được quảng bá thì sản lượng bán đi mỗi năm lên đến 15 - 20 tấn, mang về thu nhập cho các hộ trồng từ khoảng 900 triệu đến 1 tỷ đồng”, anh Đạo chia sẻ.
Không chỉ bán hàng, HTX còn chú trọng phát triển thêm mô hình làm kinh tế mới, tiêu biểu như nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Trong đó, mô hình trải nghiệm vườn cam được HTX liên kết tổ chức với Công ty du lịch Mộc Châu đã tạo được sức lan tỏa tốt và thu hút khá nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Anh Đạo kể lại, nhờ hiệu ứng thông tin của mạng xã hội mà lượng khách đến với vườn hiện nay khá nhiều, đôi khi khiến HTX "quá tải" vào những ngày cuối tuần. Lượng khách đến tham quan, chụp ảnh check-in kết hợp với mua hoa quả tại vườn có thể lên đến 15 - 20 người/ngày thường và hàng trăm người/ngày vào dịp cuối tuần.
Qua đó, HTX không chỉ thành công quảng bá thêm thương hiệu nông sản mà còn giúp các chủ vườn tiếp cận mô hình kinh tế mới mang lại lợi nhuận cao, có khả năng nhân rộng.
Hỗ trợ nâng tầm nông sản địa phương
Hiện nay, huyện Mộc Châu có 125 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm gần 90% tổng số HTX trên địa bàn huyện, chủ yếu là sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, chè và trồng, kinh doanh hoa... Trong đó, HTX Đặc sản Tây Bắc nổi lên như một đơn vị tiêu biểu.
Thành công của HTX chủ yếu đến từ việc nhanh nhạy nắm bắt xu hướng truyền thông, tiếp thị trong nông nghiệp. Đơn vị đã xây dựng được một hệ thống trang web, kênh tuyên truyền, bán hàng đồ sộ trên nền tảng online, từ đó tạo thương hiệu và bán sản phẩm đi khắp nơi. Được biết, kênh Facebook “HTX đặc sản Tây Bắc” đã thu về 19.000 lượt thích và theo dõi; kênh Youtube “Đặc sản Tây Bắc” của đơn vị đã đăng tải gần 200 video, thu hút nhiều lượt theo dõi thường xuyên.
Cách làm của HTX cho đến nay đã đem lại hiệu quả tích cực. Tiêu biểu nhất có thể kể đến việc xây dựng thành công thương hiệu Cam ly Mộc Châu, đem lại lợi ích cho cả vùng cam địa phương. Việc có hình ảnh, được nhận diện là đặc sản đã nâng giá cam ly Sơn La từ 35.000 - 50.000 đồng/kg lên mức 80.000, thậm chí 100.000 đồng/kg khi bán tại Hà Nội và các tỉnh.
Anh Hà Văn Chiến, chủ vườn cam ly tại tiểu khu 68, thị trấn Mộc Châu cho biết: “Từ khi phối hợp với HTX Đặc sản Tây Bắc làm thương hiệu sản phẩm gắn với du lịch trải nghiệm, vườn cam ly của gia đình được nhiều người biết đến hơn; sản phẩm tiêu thụ dễ dàng và được giá cao hơn”.
HTX Đặc sản Tây Bắc đã được UBND huyện Mộc Châu công nhận là một trong những mô hình tiêu biểu tại địa phương trong giúp người dân giảm nghèo bền vững và thành hộ khá, giàu. Tháng 11 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã lựa chọn HTX Đặc sản Tây Bắc là một trong những đơn vị mẫu để tổ chức cho thành viên các tổ khuyến nông cộng đồng của các huyện Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu và Bắc Yên đến tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất tại huyện Mộc Châu.
Nhờ có những mô hình HTX tiên tiến như HTX Đặc sản Tây Bắc giúp bà con dân tộc thiểu số làm kinh tế mà tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Mộc Châu đã giảm đều, nhanh, bền vững. Đánh giá sơ bộ năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 3,5% trong khi năm trước là 4,32%, dự kiến đến năm 2024 sẽ giảm còn dưới 3,5%.
Sản phẩm cam ly của HTX đang được đóng thùng để gửi đến người mua đặt hàng online. |
Thêm những mô hình mới để phát triển kinh tế
Để tiếp tục nâng tầm kinh tế tại các hộ thành viên HTX cũng như vùng Mộc Châu, Phó giám đốc HTX Đặc sản Tây Bắc chia sẻ, đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng liên kết sâu hơn với các hộ, đồng thời hỗ trợ thêm người nông dân trong sản xuất "xanh" bằng cách kết nối nhà khoa học, nhà nghiên cứu để hoàn thiện và nâng cao kỹ thuật, hiệu quả chăm sóc cây trồng, từ đó cho sản phẩm ngon hơn, tốt hơn, an toàn hơn.
Ngoài ra, HTX cũng đang chuẩn bị triển khai thêm mô hình "bán sớm". “Chúng tôi sẽ hướng tới câu chuyện bán sản phẩm từ trước khi sản xuất. Ví dụ kết thúc vụ mùa năm nay, người mua đã sử dụng sản phẩm của một cây cam, nếu thấy ngon thì họ có thể đặt trước quả của cả cây đó trong vụ mùa sau và đặt cọc trước cho người trồng một nửa chi phí”, anh Đạo chia sẻ.
Cách này sẽ giúp người dân xoay được vốn từ tiền đặt cọc trước, qua đó có thể đầu tư vào phân bón, chăm sóc. Bên cạnh đó, việc đảm bảo về đầu ra, nguồn thu cũng giúp người trồng có thể yên tâm tập trung sản xuất, cho thành quả tốt hơn.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, những phương châm của HTX rất phù hợp với hướng đi chung của chương trình giảm nghèo tại huyện hiện nay. “Với phương châm “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, huyện chỉ đạo thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Đồng thời, khuyến khích các HTX triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất”, bà Hoa thông tin.
Mới đây, huyện đã tạo điều kiện cho HTX Đặc sản Tây Bắc tiếp cận với dự án “Phát triển thị trường nông sản bản địa qua kênh thương mại điện tử do Phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ trong khuôn khổ Dự án Great với xu hướng cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0”. Qua đó, dự án sẽ giúp nâng cấp, hoàn thiện thêm về bao bì, nhãn mác, để đưa thương hiệu nông sản Mộc Châu lên sàn giao dịch.
Thông qua dự án này, UBND huyện cũng tạo điều kiện cho các thành viên HTX và người lao động tham gia chương trình tập huấn về bán hàng trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Mục tiêu là kết hợp giúp thúc đẩy tiềm năng, phát huy hơn nữa vai trò HTX, đồng thời hỗ trợ các đối tượng người dân tộc thiểu số và đặc biệt là phụ nữ vươn ra khỏi bản làng, tiếp cận với cách làm tiến bộ, phát triển kinh tế mới, xóa nghèo, làm giàu.
Mô hình đẩy mạnh làm truyền thông tiếp thị hướng đến hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm của HTX Đặc sản Tây Bắc là hình mẫu rất đáng học hỏi với các HTX tại vùng cao và trên địa bàn cả nước. Không chỉ hỗ trợ mở rộng đầu ra, tăng tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế, HTX còn giúp xây dựng thương hiệu địa phương Tây Bắc ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo cho người dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa chỗ dựa để phát triển lâu dài, bền vững trong tương lai.
Bích Tâm